Kỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khóa XVIII: Nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách được giải trình tại hội trường

PhuthoPortal- Sáng nay (8/12), sau phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu dự Kỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khóa XVIII nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến các lĩnh vực kinh tế; văn hóa - xã hội; tài nguyên môi trường; tăng số thu từ thuế xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệ FDI… Trong đó nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách đã được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải trình, làm rõ.

Quang cảnh phiên giải trình tại hội trường

Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội

Giải trình về vấn đề hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khoán hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ cấp xã, các chi hội thuộc tổ chức chính trị - xã hội, Ban công tác MTTQ, Chi hội Người cao tuổi ở khu dân cư, bà Vương Thị Bẩy - TUV, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND quy định khoán kinh phí hoạt động đối với tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ ở cấp xã (theo lần mức lương cơ sở/tổ chức/tháng) với xã loại 1 là 0,45 hệ số, loại 2 là 0,25 hệ số, loại 3 là 0,1 hệ số. Khoán kinh phí hoạt động đối với các chi hội thuộc tổ chức chính trị - xã hội, Ban Công tác mặt trận, Chi hội Người có tuổi ở khu dân cư thì khu không thuộc khu đặc biệt khó khăn là 11,6 triệu đồng/khu/năm và khu thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã ATK là 16,9 triệu đồng/khu/năm. Căn cứ vào nguồn kinh phí được khoán, Chủ tịch UBND các xã quyết định kinh phí hoạt động của các tổ chức này theo quy định, các khu dân cư thực hiện các hoạt động của các chi hội trực thuộc đảm bảo phù hợp với địa phương.

Giải trình tình trạng nguồn kinh phí trung ương cấp để thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở sau ngày 31/12/2019 chưa sử dụng hết phải chuyển về trung ương, bà Vương Thị Bẩy cho biết: Tính đến ngày 31/12/2019, có 8.428/10.275 hộ được xây mới, sửa chữa, tương ứng 245.840 triệu đồng/302.920 triệu đồng đã được cấp. Số kinh phí còn lại chưa thực hiện là 57.080 triệu đồng tỉnh đã thu hồi và hoàn trả ngân sách trung ương theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Nguyên nhân của vấn đề này là do chương trình được thực hiện từ năm 2013 nhưng đến năm 2015 trung ương mới bố trí cho tỉnh 55.651 triệu đồng (bằng 19,3%). Trong 2 năm 2018 - 2019, ngân sách trung ương mới bố trí đủ kinh phí theo Đề án. Tuy nhiên thời gian giải ngân chỉ khoảng 1,5 năm trong khi một số hộ gia đình không triển khai được trong năm 2018, 2019; một số trường hợp trong quá trình chờ kinh phí hỗ trợ đã chuyển nhà đi nơi khác và không thuộc đối tượng theo chương trình nữa; quá trình triển khai thực hiện rà soát lại một số hộ không đủ điều kiện được hỗ trợ.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị trung ương cho phép rà soát, điều chỉnh bổ sung Đề án; chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.

Đối với công tác quản lý và sử dụng một số công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa xã ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập hiện đang có nhiều bất cập, bà Vương Thị Bẩy giải trình: UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị chủ động xây dựng phương án bố trí trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập, đề xuất phương án xử lý đối với những cơ sở dôi dư cho phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả tài sản công và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên đến nay chỉ có thành phố Việt Trì và huyện Tam Nông đã hoàn thiện và trình phương án.

Kết luận các vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu - Chủ tọa kỳ họp yêu cầu: Lãnh đạo các địa phương căn cứ vào các nguồn kinh phí được khoán và nguồn lực của địa phương hướng dẫn các xã xây dựng phương án chi tiêu nội bộ của các tổ chức chính trị  - xã hội, chi hội ở khu dân cư.

Đối với nhà văn hóa tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, Chủ tọa yêu cầu triển khai thực hiện theo nguyên tắc người dân tại các khu dân cư tự bàn bạc, quyết định hình thức sử dụng cho phù hợp, đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan. Với trụ sở, trạm y tế, trường học thuộc thẩm quyền của xã nên xã phải xây dựng phương án cụ thể để trình cấp huyện xem xét, giải quyết.

Cho ý kiến về việc phải hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, Chủ tọa yêu cầu thực hiện theo danh sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; đồng thời các cấp, ngành, địa phương liên quan rà soát lại và làm rõ trách nhiệm về tồn tại trên.

Xem xét thực hiện nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế

Giải trình về việc chưa thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ông Ngô Đức Thịnh - TUV, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và UBND cấp huyện đã hoàn thiện việc thẩm định danh sách, kinh phí đề nghị thực hiện chuyển xếp lương đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế để trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính đề xuất nguồn kinh phí chi trả theo quy định.

Giám đốc Sở Tài chính Vương Thị Bẩy cũng đồng tình về việc mức hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế hiện nay từ ngân sách tỉnh còn rất hạn chế. Năm 2021 Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn ổn định tiếp theo (2022 - 2025), trong đó sẽ xem xét nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài biên chế hợp đồng ở cấp huyện từ ngân sách tỉnh.

Ông Ngô Đức Thịnh cũng cho biết các cán bộ, giáo viên công tác tại các xã, trường học khi được sáp nhập với khu, xã, đơn vị, trường học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp lần đầu và phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/10/2019.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc khi nào Sở Nội vụ tổ chức phân loại, xét thăng hạng viên chức sự nghiệp giáo dục theo vị trí việc làm, ông Ngô Đức Thịnh cho biết: Ngày 10/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, khi các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổng hợp số lượng giáo viên có nhu cầu thăng hạng phù hợp với vị trí việc làm để xây dựng đề án thi, xét thăng hạng để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất tại các nông, lâm trường

Giải trình làm rõ công tác quản lý sử dụng đất tại các nông, lâm trường thời gian qua còn nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng đất của các hộ dân trong diện tích đất mà nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, đất trồng lấn, ông Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 22.035ha đất của các Công ty chè và 8 Công ty lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam bàn giao về địa phương quản lý. Hoàn thành lập hồ sơ thu hồi đất chi tiết và trình UBND tỉnh thu hồi 451,95ha đất của Công ty lâm nghiệp Tam Thanh tại địa bàn huyện Tam Nông, dự kiến trong tháng 12/2020 sẽ thu hồi tiếp 1.867ha đất của 2 Công ty Lâm nghiệp Sông Thao và Thanh Hòa, diện tích còn lại sẽ hoàn thành trong quý I/2021.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ nông lâm trường. Cùng với đó, tổ chức đo đạc lập hồ sơ thu hồi đối với diện tích đất sau khi phê duyệt phương án sử dụng đất của các Công ty nông lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý; xây dựng phương án sử dụng đất để đưa vào sử dụng phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định. Đồng thời, đôn đốc các Công ty nông lâm nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ thuê đất hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty.

Trước thực trạng hiện nay nhiều dự án phát triển nhà ở chậm tiến độ là do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Phạm Văn Quang cho biết: Nguyên nhân là do chính sách pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2010 đến nay có nhiều thay đổi dẫn đến khó khăn trong việc tính toán, lập hồ sơ, xây dựng phương án bồi thường. Sự biến động về giá đất ở trên thị trường trong thời gian qua dẫn đến người dân thấy chênh lệch địa tô lớn nên đòi hỏi giá đất cao hơn…

Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để có cơ sở quy chủ, xác định nguồn gốc đất đai, đẩy nhanh các khâu nghiệp vụ khi kiểm kê, lập phương án bồi thường, nhất là các khu vực có dự án. Bổ sung, tăng cường cán bộ làm công tác bồi thường ở cấp huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh để thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm; bổ sung vốn cho quỹ phát triển đất để có kinh phí giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư các dự án.

Không để các doanh nghiệp tự ý xả thải gây ô nhiễm môi trường

Giải trình làm rõ việc quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại từ các khu công nghiệp hiện nay, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang cho biết: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý chất thải trên địa bàn. Rác thải sinh hoạt cơ bản được thu gom, xử lý theo quy hoạch, định hướng của tỉnh trong giai đoạn chờ xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất được quản lý, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng người dân và các đối tượng tập kết, vận chuyển, đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng và rác thải nguy hại không đúng nơi quy định, đổ bừa bãi ra lòng, lề đường, các khu đất trống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo chính quyền cấp xã xác định các điểm gom rác thải tạm thời cho phù hợp; giám sát đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thực hiện việc vận chuyển rác bằng phương tiện, thiết bị, lộ trình và tần suất phù hợp.

Để tăng cường công tác quản lý chất thải trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Sở tiếp tục phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải, nhất là đối với chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất trong các Khu công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh xác định rõ nguồn xả thải, nhất là các loại nước thải nguy hiểm và đơn vị xử lý chất thải của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để quản lý chặt chẽ, không để các doanh nghiệp tự ý xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Phối hợp triển khai các dự án ngành Điện

Trước ý kiến phản ánh việc triển khai thực hiện các thủ tục về đất đai hiện nay của ngành Điện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Do yêu cầu về tiến độ để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho người dân, hầu hết các công trình dự án điện vừa triển khai, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công xây dựng. Qua trình triển khai thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện, do đó khi hoàn thiện thủ tục còn nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện điều tra xác định giá đất, xây dựng phương án hệ số điều chỉnh giá đất thực hiện các dự án Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn và ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện xây dựng phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất các dự án về điện.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thời gian tới chủ đầu tư các công trình điện nghiêm túc thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định; bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ thu hồi đất theo yêu cầu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, xã nơi triển khai thực hiện dự án để làm tốt công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, không tự ý thỏa thuận bồi thường với các hộ dân trong phạm vi thực hiện dự án.

Về vấn đề này, Chủ tọa yêu cầu: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Phú Thọ, các địa phương nơi có dự án để tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án.

Tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh

Về ý kiến đại biểu đề cập đến việc trong thời gian qua việc thu hút đầu tư các dự án FDI tăng, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng nhưng số thu từ thuế XNK qua Chi cục Hải quan Phú Thọ tăng rất ít, ông Trần Đại Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Thọ giải trình: Trong những năm gần đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đã tăng lên đáng kể góp phần vào việc tăng trưởng kim ngạch XNK của tỉnh tăng từ 1 tỷ USD (năm 2013) lên 9 tỷ USD (năm 2020). Số tiền thuế thu được trong lĩnh vực XNK năm 2019 là 279,9 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm 2020 là 286 tỷ đồng. Số thuế thu từ nguồn các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp tập trung chủ yếu vào sắc thuế giá trị gia tăng từ mặt hàng máy móc thiết bị tạo tài sản cố định (chiếm 94% tổng số thu).

Ông Trần Đại Thắng cho biết: Các doanh nghiệp FDI làm tăng giá trị kim ngạch XNK lên cao chủ yếu là các doanh nghiệp FDI chế xuất; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu; các mặt hàng nông, lâm sản thuộc đối tượng không phải chịu thuế.

Để nâng cao số thu thuế qua Chi cục Hải quan, ông Trần Đại Thắng nhấn mạnh: Hiện nay Chi cục Hải quan Phú Thọ tập trung vào cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, triển khai hệ thống thông quan điện tử và một cửa quốc gia nhằm giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp. Ông Trần Đại Thắng đề nghị tỉnh lựa chọn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước nhiều hơn để tăng kim ngạch có thuế nhằm tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Chiều nay (8/12), Kỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường.

Hương Giang - Lệ Thủy