Kỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khóa XVIII: Chất vấn, trả lời chất vấn thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm

PhuthoPortal - Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn tạiKỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khóa XVIIIchiều nay (8/12), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnhBùi Minh Châunhấn mạnh: Phiên chất vấn, trả lời chất vấn là nội dung quan trọng trong chương trình kỳ họp thể hiện vai trò, trách nhiệm, đánh giá năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, được cử tri quan tâm.

Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn

Chủ tọa đề nghị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm rà soát, đặt vấn đề đối với từng nội dung cử tri và nhân dân quan tâm gửi tới HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ chưa được giải quyết dứt điểm để có cơ sở đánh giá mức độ thực hiện các kết luận của Chủ tọa kỳ họp về hoạt động chất vấn, giải trình của các cơ quan liên quan. Người trả lời chất vấn cần đi thẳng vào vấn đề, trả lời rõ ràng, đồng thời xác định trách nhiệm, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, đồng bộ

Trả lời chất vấn của đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu huyện Cẩm Khê về tổng thu ngân sách của khối FDI trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn coi trọng việc thu hút đầu tư nước ngoài và là một trong những địa phương đi đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc bộ. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 179 dự án FDI, tăng 11 dự án so với năm 2019; trong đó lĩnh vực dệt, may chiếm số lượng lớn doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư vào tỉnh.

Thẳng thắn thừa nhận việc thu hút đầu tư FDI chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, ông Trịnh Thế Truyền cho biết: Nguồn thu ngân sách tăng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm cho khoảng gần 60.000 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với một số tỉnh trong khu vực; quy mô các dự án FDI còn nhỏ. Nguyên nhân là do thời điểm đầu hạ tầng kinh tế - xã hội, các khu cụm, công nghiệp chưa hoàn thiện nên chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực lớn, nhà đầu tư chiến lược; với mong muốn lấp đầy các khu, cụm công nghiệp dẫn đến việc chưa quan tâm đến việc sàng lọc các dự án...

Về giải pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đánh giá toàn diện, rút kinh nghiệm, từ đó tập trung chỉ đạo tốt hơn hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, đồng bộ và bài bản hơn. Cùng với làm tốt công tác định hướng xúc tiến đầu tư, Sở tiếp tục tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền để tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Quan tâm ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Trước phản ánh của đại biểu Nguyễn Xuân Yên - Tổ đại biểu huyện Thanh Ba về việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Thời gian qua, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế như lĩnh vực sản xuất chế biến chè, sản xuất chăn nuôi tập trung.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc dồn dổi, tích tụ ruộng đất để hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao; việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là quy mô lớn, mức độ rủi ro cao nên việc thu hút còn nhiều hạn chế.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; rà soát lại quỹ đất để chuyển đổi mục đích sang sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp cận đô thị ở những nơi có điều kiện để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cùng với đó, tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng để nâng cao nhận thức cho người dân; quan tâm hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Về vấn đề này, Chủ tọa nhấn mạnh: Việc thu hút đầu tư nói chung trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành. Trong giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Xuân Tường - Tổ đại biểu huyện Lâm Thao về một số dự án đã có trong danh mục Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua với diện tích lớn, nhưng việc triển khai còn chậm tiến độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Đã có trên 80% số dự án đang được triển khai thực hiện với 4.781/6.100ha đất sử dụng. Trong số các dự án sử dụng đất có 778 dự án đầu tư liên quan đến các ngành, lĩnh vực; trong đó có khoảng 40,8% dự án đã đi vào hoạt động, còn khoảng trên 400 dự án tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Về giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp các huyện, thành, thị rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án chậm tiến độ để đề xuất UBND tỉnh thu hồi. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thẩm định các dự án cũng như hỗ trợ triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư trong thời gian tới để đảm bảo các dự án được triển khai theo đúng tiến độ.

Kết luận vấn đề này, Chủ tọa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư được tỉnh cấp phép đầu tư để đề xuất, đồng hành cùng chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn; kiên quyết thu hồi đối với các dự án không thực hiện đúng theo cam kết, quy định, cố tình gây chậm trễ.

“Nóng” vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường

Nhận được 8 câu hỏi của các đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ông Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Trên địa bàn tỉnh hiện có 13/24 đơn vị, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Các đơn vị sau khi lắp đặt đã truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, từ đầu năm đến nay cơ bản các số liệu ổn định, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ lùi thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cho các doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2021. Căn cứ vào lộ trình này, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đôn đốc 11 đơn vị còn lại hoàn thiện lắp đặt. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp mới thành lập khi đánh giá tác động môi trường yêu cầu lắp đặt ngay trước khi vận hành thử nghiệm các hạng mục công trình đánh giá tác động môi trường.

Cử tri thành phố Việt Trì phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực Công ty Nhôm, Nhà máy gạch CMC, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Đối với các nhà máy trong khu công nghiệp cũng như các nhà máy trên địa bàn thành phố Việt Trì đặc biệt là các nhà máy nằm ở vùng phía Nam, đây là khu công nghiệp cũ của miền Bắc nên được xây dựng từ đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước nên công nghệ bảo vệ môi trường đã lạc hậu. Khoảng 10 năm gần đây, các nhà máy này đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo dây chuyền đổi mới công nghệ, trong đó quan tâm đến công nghệ xử lý các khí thải, nước thải.

Ông Phạm Văn Quang đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch để sớm di dời các nhà máy này ra khỏi địa bàn vùng đô thị của thành phố Việt Trì. Trong thời gian đó, Sở phối hợp với thành phố Việt Trì và Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh tăng cường việc kiểm tra, giám sát định kỳ và xử lý nghiêm nếu không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Như Hoa - Tổ đại biểu Thanh Thủy về giải pháp quản lý có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên nước khoáng nóng trên địa bàn huyện Thanh Thủy, ông Phạm Văn Quang cho biết: Với góc độ của ngành, sẽ tăng cường các biện pháp như rà soát, phối hợp với huyện Thanh Thủy thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các chủ hộ cũng như tổ chức khai thác phát sinh. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các thủ tục để thăm dò và khai thác. Xem xét chấm dứt việc khai thác của các hộ nhỏ lẻ.

Đối với việc đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết hạn trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến thời điểm này chỉ còn 3 mỏ đã hết giấy phép hoạt động nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, hướng dẫn nhưng 3 doanh nghiệp này vẫn cố tình không thực hiện. Nguyên nhân là do các mỏ vẫn còn trữ lượng, tiềm năng khoáng sản nên các doanh nghiệp rất muốn là đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho nâng cấp trữ lượng để họ tiếp tục khai thác. Đối với các doanh nghiệp này, từ nay đến cuối năm 2020 nếu không triển khai thực hiện đóng cửa mỏ thì Sở sẽ đề xuất biện pháp xử lý phạt hành chính.

Đối với các doanh nghiệp vẫn còn trong thời hạn giấy phép hoạt động và còn trữ lượng, Sở sẽ xem xét báo cáo với UBND tỉnh cũng như trình với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cấp gia hạn giấy phép. Đối với các mỏ đã thực hiện xong các thủ tục đóng cửa mỏ mà vẫn còn trữ lượng thì sẽ tham mưu với UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện có phương án bảo vệ khoáng sản. Đối với các mỏ hết trữ lượng, sau khi thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ thì sẽ giao cho cơ quan chức năng quản lý để đưa đất vào quản lý sử dụng hoặc đấu giá sử dụng đất.

Về vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu: Đến hết ngày 31/12/2021, 11 đơn vị, doanh nghiệp còn lại phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nặng thì Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị phải lắp đặt ngay.

Đối với vấn đề liên quan đến môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Việt Trì, Chủ tọa đề nghị phải xây dựng phương án di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố Việt Trì, bởi Việt Trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Thời gian trước mắt, những nhà máy nào mà vi phạm môi trường thì tiến hành thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý.

Chủ tọa đề nghị những đơn vị lớn khai thác nguồn nước khoáng nóng Thanh Thủy làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có phương án cụ thể. Chủ tọa cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về việc đóng cửa mỏ.

Quan tâm đầu tư xây dựng các chợ đảm bảo an toàn thực phẩm

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thanh Phương - Tổ đại biểu huyện Tam Nông về việc hiện nay, việc thực hiện mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn chưa nhiều, thiếu bền vững, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Những năm trước đây, Chính phủ quan tâm, cấp kinh phí để đầu tư thực hiện mô hình này, tuy nhiên những năm gần đây nguồn vốn này không còn. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã cấp kinh phí hỗ trợ cho việc đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, trên cơ sở đó Sở đã trình UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Toàn tỉnh có 215 chợ hạng III, qua rà soát đã giải tỏa, đóng cửa 18 chợ. Các chợ được xây dựng đảm bảo quy hoạch chung của tỉnh. Tuy nhiên để các chợ phát triển bền vững, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị UBND cấp huyện, xã quan tâm xây dựng kế hoạch để tái đầu tư, nâng cấp, cải tạo, hoàn thành cơ sở hạ tầng chung của các chợ trên địa bàn; phối hợp quản lý để đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ. Về phía Sở, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư, phát triển các chợ trên địa bàn trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tọa nhấn mạnh: Vấn đề quản lý, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ không chỉ là nhiệm vụ ngành Công Thương, mà liên quan đến nhiều ngành. Vì vậy, quá trình thực hiện tốt tiêu chí chợ trong xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo theo đúng quy định, tiêu chuẩn, xây dựng chợ truyền thống ngày càng chất lượng, đảm bảo an toàn cho người dân.

Hương Giang - Lệ Thủy