Người tốt - Việc tốt
3 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” 2022 của tỉnh Phú Thọ
Anh Nguyễn Ngọc Ánh kiểm tra chất lượng sản phẩm đũa tre
Anh Nguyễn Ngọc Ánh - đại diện nhỏ tuổi nhất trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc nhất 2022
Là một thanh niên trẻ đam mê kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1991 ở khu 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng đã sớm nhận thấy quê nhà có nguồn nguyên liệu dồi dào từ tre. Ánh đã quyết tâm nghiên cứu tìm tòi, khởi nghiệp với sản phẩm đũa gỗ dùng 1 lần xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Với mong muốn mang đến thị trường sản phẩm có chất lượng tốt nhất, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, Ánh đã mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng cho 2 dây chuyền sản xuất lớn và hiện đại. Trải qua 5 năm khởi nghiệp và gây dựng, trưởng thành, công ty sản xuất đũa gỗ dùng 1 lần của Ánh đã khẳng định thương hiệu, uy tín với thị trường Nhật Bản.
Để có được thành công như ngày hôm nay, Ánh và công ty đã trải qua nhiều lần thất bại, gặp không ít khó khăn. Anh tâm sự: Nhớ lại năm đầu đi vào hoạt động, do quy trình chưa chuẩn nên sản phẩm bị lỗi, ngay đơn hàng đầu tiên tôi lỗ 500 triệu đồng. Vừa làm, vừa mày mò hoàn thiện dần, mất đến 2 năm quy trình sản xuất của công ty mới ổn định.
Quãng thời gian tiếp đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn hàng không xuất được đi nước ngoài, gia đình đã từng khuyên Ánh bỏ cuộc, đổi nghề khác, nhưng anh vẫn kiên trì giữ niềm tin vào đôi đũa gỗ, tin rằng sản phẩm này sẽ giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống.
Sự quyết tâm cùng với niềm tin vào công việc đã không phụ lòng anh, hiện tại, các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đã đều đặn trở lại. Hiện nay mỗi năm công ty của Ánh sản xuất và tiêu thụ khoảng trên 20 container đũa xuất khẩu, lợi nhuận vài tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động của địa phương.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Ánh còn tích cực tham gia phong trào giảm nghèo bền vững của địa phương và các phong trào từ thiện, nhân đạo. Anh đã hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 25 lao động; giúp đỡ hiệu quả về vốn vay cho 8 hộ khó khăn của xã.
Anh Đỗ Quốc Thuận - thành tỷ phú nhờ trồng rừng, chăn nuôi bò
Anh Đỗ Quốc Thuận (khu Đồng Phú, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) đã có gần 20 năm gắn bó với vùng đồi rừng xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn. Hiện tại, anh sở hữu hơn 250ha rừng trồng kết hợp với đàn bò hơn 200 con cho lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng.
Anh Đỗ Quốc Thuận sở hữu hơn 250ha rừng trồng và đàn bò hơn 200 con
Là người con của quê hương, anh Thuận luôn đau đáu vì thấy đất rừng bị bỏ hoang quá nhiều. Vì vậy, năm 2005 anh bắt đầu đầu tư trồng rừng, lập trang trại kết hợp chăn nuôi gà, lợn lửng, bò và trồng sắn làm thức ăn cho gia súc.
Những năm đầu, gia đình anh cũng đã trải qua những khó khăn khi trồng rừng và chăn nuôi như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường không ổn định đã làm thiệt hại và ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân và gia đình, anh Thuận đã kiên trì sản xuất và quyết tâm mở rộng diện tích đất rừng.
Từ năm 2021 đến nay, gia đình anh đã có 250ha rừng ở các vùng khác nhau trong địa bàn huyện. Anh đã chuyển hướng sang tập trung nuôi bò, đầu tư 24ha rừng cây gỗ lớn. Được nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống và kỹ thuật nên diện tích trồng rừng của anh mang lại kết quả cao. Năm 2021, từ diện tích rừng đã cho thu hoạch trên 2.500m3 gỗ, lợi nhuận trên 3 tỷ đồng, thu nhập từ bò đạt trên 1 tỷ đồng.
Chia sẻ bí quyết trồng rừng, anh Thuận cho biết: Tôi áp dụng kỹ thuật như trồng rừng không trồng mau, trồng theo đúng kỹ thuật, trồng rừng bổ hố sâu bón phân tổng hợp để tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, lựa trọn thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây rừng. Trong quá trình sản xuất trồng rừng gia đình tôi kết hợp với chăn thả gia súc, vừa tiết kiệm nguồn thức ăn, lại không gây ô nhiễm môi trường do chất thải của gia súc đồng thời là nguồn phân bón cho cây.
Gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động có thu nhập từ 7 - 7,5 triệu đồng/tháng. Anh Thuận còn tích cực hỗ trợ các hộ nghèo về vốn, vật tư, cây, con giống… với giá trị tương đương 100 triệu đồng. Cùng với đó, anh rất nhiệt tình chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ khác trong địa phương.
Với những nỗ lực cố gắng của bản thân và gia đình, anh Thuận được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 - 2014”; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016”.
Anh Nguyễn Khắc Hiếu - thu nhập tiền tỷ từ sản xuất gạch tuynel
Anh Nguyễn Khắc Hiếu ở xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba bắt đầu kinh doanh từ năm 17 tuổi và đã trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh. Năm 2010, anh và một số anh em hùn vốn để xây dựng lò gạch nung tại quê nhà.
Anh Nguyễn Khắc Hiếu (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về quy trình sản xuất gạch tuynel
Những năm đầu do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất và thiếu nguồn đất là nguyên liệu đầu vào nên việc sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Mẻ gạch đầu tiên ra đời sau 4 tháng đi vào hoạt động bị lỗi nên không bán được, anh Hiếu đã thức trắng đêm suy nghĩ và tìm hiểu nguyên nhân. Anh đã đi tham khảo các lò gạch khác ở trong vùng để tìm ra được cách khắc phục.
Dây chuyền sản xuất dần đi vào ổn định, mỗi ngày lò gạch của anh cho ra thị trường khoảng 1,8 vạn gạch. Sau 1 năm anh tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng công suất lên 2,9 vạn gạch. Do gạch đạt chất lượng tốt nên nhiều người đã tìm đến gạch của anh để mua.
Nắm bắt được xu hướng của thị trường, đến tháng 8/2019, anh Hiếu đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất gạch tuynel hiện đại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Lúc này anh đã mạnh dạn đầu tư 40 tỷ đồng để chuyển đổi công nghệ từ lò nung kiểu đứng sang công nghệ gạch nung tuynel; đưa robot, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất.
Hiện nay mỗi năm công ty anh Hiếu sản xuất và tiêu thụ khoảng 35 - 40 triệu viên gạch, lợi nhuận hằng năm hơn 4 tỷ đồng; tạo việc làm cho 40 - 50 lao động, thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Công ty anh cũng tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới như xây dựng hệ thống điện, đường, đóng góp ủng hộ các quỹ do địa phương phát động lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.
Với thành tích đạt được, anh Hiếu được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 - 2014”; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016”.
Thu Hương