Người tốt - Việc tốt
Những “người lái đò” đặc biệt
Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì hiện có 38 thầy, cô giáo đang giảng dạy, chăm sóc 118 học sinh ở 11 nhóm lớp và 7 trẻ mồ côi, trẻ nhỏ nhất mới 10 ngày tuổi. Đa số các em là những đứa trẻ bị khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ.
Trong số 11 nhóm lớp ở Trung tâm thì nhóm lớp khuyết tật về trí tuệ, tự kỷ có lẽ đặc biệt hơn cả. Mỗi em ở đây lại có một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng của mình. Có em vừa khuyết tật về trí tuệ, vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ, được họ hàng gửi đến Trung tâm; cũng có em khuyết tật vì điều kiện gia đình khó khăn nên thường xuyên phải xa nhà, ở cùng bà ngoại trong khu nhà trọ gần Trung tâm để tiện việc đi học… Các em là những đứa trẻ rất dễ bị tổn thương về tâm lý, đòi hỏi các thầy, cô phải thực sự hiểu, kiên trì, bền bỉ tìm ra cách dạy phù hợp giúp các em tiến bộ từng ngày.
Có lẽ nhiều người sẽ cùng chung câu hỏi “Vì sao các thầy, cô của Trung tâm lại lựa chọn sự nghiệp “trồng người” ở môi trường đặc biệt này?”. Nếu không có trái tim đồng cảm và tình yêu thương bao la dành cho trẻ khuyết tật thì chẳng ai tự nhận lấy những vất vả, nhọc nhằn vào mình như thế.
Trở lại gần 20 năm về trước, khi còn là một nữ sinh THPT, mỗi ngày đến trường cô giáo Trần Thị Nhung đều đi qua Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì và ngắm nhìn những em nhỏ xinh xắn, đáng yêu nhưng kém may mắn đang nô đùa trên sân. Từ ngày ấy, Nhung đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên của các em nhỏ khuyết tật, mồ côi nơi đây. Được sự động viên của gia đình, Nhung đăng ký thi vào khoa Giáo dục đặc biệt khóa 1 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của cả nước theo học ngành học đặc biệt này.
Tốt nghiệp đại học, cô Nhung trở về giảng dạy ở Trung tâm thấm thoắt đã gần 20 năm. Những ngày đầu đi dạy thật nhiều bỡ ngỡ, có những tình huống không được dạy trên giảng đường đại học, có những khó khăn không lường trước được hết. Nhưng trên tất cả là cái tâm với nghề, là tình yêu thương dành cho các em nhỏ được vun đắp hằng ngày tạo nên chất keo gắn kết giữa cô và trò.
Được phân công phụ trách lớp nhà trẻ, cô Đào Thị Liên cùng 3 cô giáo khác của Trung tâm phải chia ca để trực chăm sóc các em nhỏ 24/24 giờ. Mỗi khi trực đêm, cô Liên phải nhờ bố mẹ sang hỗ trợ trông con nhỏ mới hơn 2 tuổi của mình. Công việc vất vả nhưng các cô luôn tận tụy, coi các em nhỏ ở Trung tâm như chính con của mình, ngày đêm chăm sóc, thương yêu.
Xách trên tay túi bỉm, sữa mới mua, cô Liên xúc động chia sẻ: Ở đây có nhiều cháu hoàn cảnh rất đáng thương, có cháu mới vài ngày tuổi đã bị cha mẹ bỏ rơi, được Trung tâm đón về nuôi dưỡng. Người làm mẹ như tôi thấy xót xa vô cùng. Bởi thế, tôi luôn cố gắng chăm sóc tốt nhất cho các cháu, mong phần nào bù đắp thiệt thòi cho các cháu.
Cũng như cô Trần Thị Nhung, cô Đào Thị Liên và nhiều giáo viên khác đã có thâm niên công tác nhiều năm ở Trung tâm này. Người trẻ nhất như cô Nguyễn Thị Bích Thảo cũng đã dạy ở Trung tâm được 5 năm. Hằng ngày, tận mắt chứng kiến những khó khăn của các em học sinh khuyết tật, mồ côi trong việc học tập và hòa nhập cộng đồng, các cô tự nhủ sẽ luôn đồng hành, giúp đỡ để các em không còn cảm thấy đơn độc trên hành trình gian nan phía trước.
Tham quan 1 vòng quanh các lớp học của Trung tâm, chúng tôi cảm nhận rõ trong từng cử chỉ, ánh mắt của các giáo viên là sự chân thành, ấm áp. Không khí lớp học khá nghiêm túc. Những ánh mắt trong veo của học trò chăm chú dõi theo từng ngón tay, điệu bộ, nét biểu cảm trên gương mặt của giáo viên.
Cô Trần Thị Nhung chia sẻ: Chăm sóc, giáo dục trẻ vốn không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi đó lại là những học trò không may bị khuyết tật thì công việc ấy lại càng khó khăn gấp bội. Các em không nhìn thấy ánh sáng, không nghe thấy âm thanh hoặc không thể điều khiển được hành vi của mình và đa phần đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, hay mặc cảm, rụt rè, sợ sệt; nhiều em không thể tự vệ sinh cá nhân, ăn uống cũng cần người hỗ trợ. Vì vậy, ngoài việc dạy học, tôi và đồng nghiệp luôn cố gắng thấu hiểu, sẻ chia, giúp các em giải tỏa mặc cảm và đưa các em hòa nhập với cộng đồng.
“Để các em học sinh của Trung tâm được phát triển toàn diện như bao học sinh khác, chúng tôi không chỉ dạy các em cách phát âm, nói, viết… trong mỗi giờ học mà còn tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt ngoại khóa, góp phần hoàn thiện kỹ năng sống, hình thành và phát triển nhân cách cho các em” - thầy giáo Đỗ Văn Chung - Phó Giám đốc Trung tâm, cũng là người thầy duy nhất ở đây cho biết.
“Khác với trẻ bình thường dễ nhận thấy sự tiến bộ, trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ như cách phát âm, cầm bút, cầm thìa, rửa tay, gấp chăn màn… cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, nhiều tuần, nhiều tháng mới làm được. Nhiều em dễ bị mất kiểm soát hoặc thờ ơ, không hợp tác với giáo viên khi không thể biểu đạt cho người khác biết, hiểu ý muốn, tâm tư tình cảm của mình. Do đó, dạy các em phải kiên trì, hòa đồng và thấu hiểu để không làm các em bị tổn thương, giảm ức chế, khuyến khích các em học tập. Với những kiến thức, kĩ năng, tình yêu thương, tập thể giáo viên của Trung tâm luôn mong muốn giúp các em có đủ kiến thức và kỹ năng sống để từng bước hòa nhập cộng đồng” - cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Trên con đường không trải đầy hoa, những thầy, cô giáo của Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì đang từng ngày vun đắp yêu thương dành cho các em nhỏ khuyết tật. Có những cô giáo đã gắn bó gần hết cuộc đời với Trung tâm; có em được đón vào Trung tâm khi mới chỉ hơn 1 tháng tuổi, nay đã khôn lớn và được nhận nuôi; cũng có em đã tốt nghiệp, đi học nghề và có việc làm ổn định.
Giờ đây, trên sân trường ngập nắng, niềm vui, háo hức hiện rõ trên từng khuôn mặt trẻ thơ. Những cô cậu học trò đang say sưa tập hát, múa, tự tin trong những bước đi, nhịp tay và biểu cảm gương mặt… Tất cả sẵn sàng cho chương trình chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới. Đó là những món quà vô giá, là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng của những “người lái đò” đặc biệt đang ngày đêm nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho những em nhỏ kém may mắn, cùng các em vượt qua bóng tối, hướng về tương lai tươi sáng.
Thu Hương - Thanh Hòa