Người tốt - Việc tốt
Người “ươm mầm” trên núi
Thầy giáo Trần Văn Hoàn sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tân Sơn - nơi có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Sớm thấu hiểu những vất vả, gian nan trong hành trình tìm “cái chữ” của những cô, cậu học trò nơi vùng quê nghèo khó, ngay từ khi còn học THPT, thầy Hoàn tự nhủ phải quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành giáo viên, mang tri thức đến với các thế hệ học sinh của quê hương.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Sư phạm Lịch sử, thầy Hoàn được mời giảng dạy tại một số trường cao đẳng, đại học ở Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, thầy đã lựa chọn trở về gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở quê hương như lời hứa năm nào.
Ngày trở về, thầy được phân công giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn. 2 năm sau đó, thầy nhận nhiệm vụ mới tại Trường THCS Xuân Đài và gắn bó hơn 10 năm với ngôi trường này. Đến năm 2021, thầy chuyển về công tác tại Trường THCS Minh Đài, vừa tham gia giảng dạy chuyên môn, vừa làm công tác chủ nhiệm lớp kiêm Tổng Phụ trách Đội như hiện nay.
Những ngày đầu đứng lớp, người thầy giáo trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi đây là khoảng thời gian sau 1 năm huyện Tân Sơn được thành lập (sau khi tách ra từ huyện Thanh Sơn) - một địa phương còn non trẻ, được gọi là “huyện 30a”, một trong những huyện nghèo nhất cả nước với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… còn nhiều hạn chế.
Mỗi ngày đến trường, cả thầy và trò đều phải đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá; ngồi trong lớp học nhà tranh, vách đất; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy chẳng có gì đáng kể. Học sinh nhút nhát, phụ huynh ít quan tâm đến con cái, nhiều gia đình phó mặc cho nhà trường và thầy, cô… Nhưng vượt lên tất cả, chính lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã tiếp thêm nghị lực để thầy cố gắng, vững vàng trên con đường mình đã lựa chọn.
Thầy Hoàn cho biết: Thời điểm đó, việc học sinh không đi học đều ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa xảy ra khá phổ biến. Sĩ số lớp thường xuyên thiếu, vắng. Để vận động các em đi học đầy đủ, sau mỗi giờ lên lớp, tôi dành thời gian đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em; đồng thời tặng sách, vở, đồ dùng học tập để động viên, khuyến khích các em học tập. Trong thời gian giảng dạy tại Trường THCS Xuân Đài, tôi và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã vận động ủng hộ kinh phí xây dựng nhà ở cho một số gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình ổn định cuộc sống, các em học sinh tự tin đến trường.
Không chỉ đau đáu nỗi niềm học sinh nghỉ học, thầy Hoàn luôn trăn trở để tìm ra phương pháp dạy học tốt nhất góp phần đảm bảo chất lượng và hiệu quả dạy học môn Lịch sử trong điều kiện ban đầu của nhà trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thầy đã tự mày mò, nghiên cứu làm một số thiết bị, đồ dùng dạy học và các mô hình đơn giản mô phỏng một số trận đánh trong các bài học, giúp học sinh hứng thú và yêu thích môn Lịch sử hơn.
Chia sẻ bí quyết dạy học lịch sử, thầy Hoàn cho biết: Lịch sử được xem là môn học khó đối với nhiều học sinh. Đây cũng không phải là bộ môn được nhiều phụ huynh quan tâm hướng con em theo học do sự lựa chọn khối thi không nhiều và cơ hội tìm việc làm liên quan đến môn học này còn hạn chế.
Không chỉ vững vàng về chuyên môn giảng dạy, trực tiếp tham gia bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, thầy Hoàn còn là một giáo viên chủ nhiệm tận tâm với học trò, một cán bộ Đoàn, Đội năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, có nhiều sáng kiến trong các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp học sinh phát triển về “đức, trí, thể, mĩ”. Đồng thời, thầy còn tích cực tham gia các cuộc thi chuyên môn nghiệp vụ, tìm hiểu kiến thức do trung ương, tỉnh, huyện phát động và “rinh” về không ít giải thưởng.
Gần 20 năm đứng trên bục giảng là ngần ấy thời gian thầy giáo Trần Văn Hoàn miệt mài vượt khó, kiên trì tận tâm “gieo con chữ” với mong muốn trẻ em vùng cao có một tương lai tươi sáng. Với những cống hiến, cố gắng không ngừng nghỉ của mình, thầy đã vinh dự được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của trung ương, của tỉnh và của huyện.
Biết ơn những gian nan để làm nên trái ngọt, sau hành trình gần 20 năm “trồng người” nơi đất khó, giờ đây, thầy Hoàn không giấu được niềm xúc động bởi sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương đang ngày càng được quan tâm và có nhiều khởi sắc. Không còn những ngày ngồi trong lớp học mà nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa về, không còn những buổi dạy “chay”, học “chay”, thay vào đó các em học sinh được học tập, vui chơi trong những ngôi trường mới khang trang, hiện đại với đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Những bậc làm cha, làm mẹ đã dành nhiều thời gian chăm lo cho con em của mình, tạo điều kiện để các em đến trường mỗi ngày là một ngày vui. Nhiều thế hệ học trò từng được thầy dìu dắt đã trở thành những công dân có ích cho xã hội, là những cán bộ xã, huyện đang đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng quê hương Tân Sơn ngày càng phát triển.
Thanh Hòa