Tin tức
Phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu về hạ tầng số các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thăm cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Công ty dịch vụ Mobifone khu vực 4
Để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh như: Đề án phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2022; Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đến năm 2025...
Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đôn đốc các doanh nghiệp tập trung phát triển hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số. Đến nay, toàn tỉnh có 3.648 trạm BTS; đặc biệt, năm 2022, đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng băng rộng cố định, trạm thu phát sóng thông tin di động và phủ sóng tại 14 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Thí điểm phát sóng thông tin di động công nghệ 5G tại 4 điểm trên địa bàn thành phố Việt Trì. Thiết bị di động thông minh phát triển mạnh, chiếm 81,03% tỷ lệ dân số của tỉnh (mức trung bình cả nước là 70,9%). Tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 73,17%.
Cán bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông phân tích dữ liệu tại Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh
Bên cạnh đó, các hệ thống nền tảng hỗ trợ triển khai chuyển đổi số của tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; hệ thống mạng diện rộng; hệ thống thông tin báo cáo; Trung tâm điều hành thông minh (IOC); Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) được duy trì đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả. Các hệ thống thông tin, cơ sở sữ liệu chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai theo chỉ đạo của các bộ, ngành: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường; BHXH… từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Nhân viên kỹ thuật VNPT Phú Thọ lắp đặt Internet cáp quang tại bản Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn
Hạ tầng số được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng đã thúc đẩy chuyển đổi số và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Năm 2021, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh xếp hạng 18/63 tỉnh, thành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.
Trong xu thế phát triển nhanh và liên tục của công nghệ thông tin, hạ tầng số cũng phải không ngừng phát triển với các yêu cầu ngày càng cao hơn. Tỉnh Phú Thọ đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh có hạ tầng số thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Để đạt mục tiêu trên, đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phát triển hạ tầng số bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu triển khai chuyển đổi số.
Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các ngành, chính quyền các cấp với các Tập đoàn, Tổng Công ty viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số để huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển hạ tầng số của tỉnh. Trọng tâm về hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây, hạ tầng kết nối liên thông, mạng truyền số liệu chuyên dùng và các nền tảng số chuyên ngành, chú trọng dịch chuyển theo hướng các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ, thuê hạ tầng số của doanh nghiệp. Tập trung khuyến khích doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đẩy mạnh xây dựng các trung tâm dữ liệu số quy mô cấp vùng phục vụ các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng trạm thu phát sóng di động 4G phủ sóng 100% các thôn, bản và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu vực sóng yếu; ưu tiên, tập trung phát triển 5G tại trung tâm các huyện, thành, thị, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan nhà nước và phục vụ, hỗ trợ thông minh hóa các hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng, y tế.
Hương Giang