Tin Tức
Bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ: Để di sản trở thành tài sản
Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc tham quan, trải nghiệm Hát Xoan Phú Thọ tại làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì (Ảnh chụp ngày 24/11/2020)
Tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan
Thời gian qua,Phú Thọ đã triển khai một cách đồng bộ, bài bản các chương trình, dự án bảo tồn Hát Xoan; trong đó xác định rõ việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản Hát Xoan là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đăng tải hàng nghìn tin, bài, phóng sự về Hát Xoan; tổ chức tốt các chương trình trình diễn Hát Xoan gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2013 - 2020, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tiến hành nghiên cứu sưu tầm, biên tập xuất bản 6.000 đĩa CD, VCD và 3.000 cuốn sách Hát Xoan Phú Thọ; 12.000 tập gấp song ngữ Hát Xoan; 1.700 cuốn sách, 1.400 đĩa DVD phục vụ giảng dạy Hát Xoan trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh…Đồng thời sưu tầm, phục chế, bổ sung tài liệu, hiện vật, hình ảnh và tổ chức trưng bày chuyên đề về Hát Xoan tại Bảo tàng Hùng Vương, miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì).
Ông Phạm Bá Khiêm - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ cùng nhiều ấn phẩm văn hóa liên quan đến Hát Xoan. Phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và “Nghệ nhân hát Xoan” cho các cá nhân đủ tiêu chuẩn xét tặng.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một buổi luyện tập hát Xoan của các thành viên Câu lạc bộ Hát Xoan Trường Tiểu học Kim Đức, thành phố Việt Trì (Ảnh chụp ngày 5/12/2020)
Song song với đó, các chế độ chính sách đối với nghệ nhân Hát Xoan và hỗ trợ vật chất, kinh phí đối với các phường Xoan được quan tâm chú trọng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Các nghệ nhận Hát Xoan chính là những “báu vật nhân văn sống”, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản Hát Xoan. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, trong đó có 6 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hằng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, UBND tỉnh đã cấp hỗ trợ 170 triệu đồng/phường Xoan, UBND thành phố Việt Trì hỗ trợ 130 triệu đồng/phường Xoan. Việc hỗ trợ kinh phí nhằm gây quỹ hoạt động, tạo điều kiện để các phường Xoan tổ chức sinh hoạt, truyền dạy và mua sắm trang thiết bị.
Để duy trì thực hành và truyền dạy Hát Xoan, 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài Hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan cấp trường. Cùng với đó, trên 100 Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập và duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan và góp phần lan tỏa mạnh mẽ Hát Xoan trong đời sống cộng đồng.
Trở thành sản phẩm du lịch độc đáo
Với mong muốn biến di sản Hát Xoan thành tài sản, những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn di sản Hát Xoan gắn với phát triển du lịch, khai thác bền vững giá trị của di sản này bằng cách dựa vào cộng đồng. Qua đó góp phần đưa Hát Xoan trở thành một nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” và tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ được công bố chính thức từ ngày 4/4/2018
Trên cơ sở đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực để triển khai hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích gắn liền với Hát Xoan, qua đó tạo không gian văn hóa để thực hành và bảo tồn di sản Hát Xoan. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20/30 di tích đình, đền, miếu có tục lệ hát Xoan thờ thần vào dịp đầu xuân được tu bổ, tôn tạo. Trong đó, 4 đình, miếu ở 4 phường Xoan là An Thái, Phù Đức, Thét, Kim Đái và 1 di tích đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) được tu bổ, phục hồi hoàn chỉnh. Tất cả các phường Xoan có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện các nghi lễ, trình diễn hát Xoan gắn với thờ cúng các Vua Hùng cũng như tổ chức truyền dạy, thực hành di sản và phục vụ du lịch.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng để khai thác giá trị của di sản Hát Xoan, biến Hát Xoan trở thành tài sản, tài nguyên du lịch văn hóa của vùng Đất Tổ chính là việc cho ra mắt chính thức sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” gắn với tour du lịch hằng ngày từ Hà Nội đi Phú Thọ để phục vụ du khách từ tháng 4/2018. Theo đó, các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn các tiết mục hát Xoan định kỳ tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) từ 14 -16 giờ hằng ngày và tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) từ 14 - 16 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.Trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu - 2021, Hát Xoan được biểu diễn hằng ngày từ 8 - 16 giờ để phục vụ đồng bào, du khách hành hương về Đất Tổ; đồng thời gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa mang đậm nét truyền thống như tham quan làng cổ, chợ quê, làm bánh chưng, bánh giầy…
Liên hoan Hát Xoan và dân ca các Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca cấp tỉnh là một trong những hoạt động thiết thực nhằm quảng bá và bảo tồn di sản Hát Xoan (Ảnh chụp ngày 21/11/2020)
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội - Trùm phường Xoan Phù Đức (xã Kim Đức) cho biết: Những năm qua, khách du lịch đến thưởng thức hát Xoan mỗi ngày đông hơn. Có thời điểm, phường Xoan chúng tôi phục vụ 2 - 3 đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tham quan, nghe hát Xoan. Các du khách cũng lên hát giao lưu, điều này khiến chúng tôi rất vui và phấn khởi. Trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, phường Xoan chúng tôi tích cực tập luyện, lựa chọn các bài Xoan hay nhất, ý nghĩa nhất để biểu diễn, giới thiệu cho các đoàn khách, coi đó như món quà dành tặng cho đồng bào và du khách thập phương khi về với Đất Tổ.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Phú Thọ cho biết:Cho đến nay, sản phẩm “Hát Xoan Xoan làng cổ” đã trở thành thương hiệu, là điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách trong nước và quốc tế khi về với Phú Thọ. Trung bình mỗi năm, các điểm “Hát Xoan làng cổ” phục vụ hàng chục nghìn lượt khách về tham quan.
“Với nhiều cách làm cụ thể, kết hợp bảo tồn với khai thác hợp lý và hiệu quả, chúng ta đã từng bước biến di sản Hát Xoan thành tài sản, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, đưa Hát Xoan đến với đông đảo người dân trong nước và vượt ra khỏi biên giới quốc gia đến được với bạn bè quốc tế. Qua đó xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ, để Đất Tổ trở thành một trong những điểm nhấn đặc sắc trên bản đồ du lịch văn hóa của Việt Nam; đồng thời tạo nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - Ông Nguyễn Đắc Thủy khẳng định.
Thanh Hòa