Tin Tức
Bơi chải truyền thống: Lễ hội thể hiện sức mạnh cộng đồng
Cuộc thi bơi chải mở rộng trên Hồ Công viên Văn Lang (thành phố Việt Trì) tạo điểm nhấn hấp dẫn trong ngày hội vùng đất Tổ
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bạch Hạc nằm bên bờ sông Lô, từ nhỏ tôi đã quen với không khí náo nức, tiếng hò reo vang lừng của hàng ngàn người trên bến dưới thuyền cùng hình ảnh những chiếc thuyền hình thoi với những tay chải mình trần đóng khố vun vút rẽ sóng lao về phía trước mỗi khi làng mở tiệc Bơi vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm.
Không ai biết bơi chải có từ bao giờ mà chỉ biết tục bơi chải, đua chải có từ rất xưa rồi nhưng trong âm vang ngày hội của vùng sông nước, lần nào cũng vậy, trí óc non nớt của một đứa trẻ ưa thích những câu chuyện truyền thuyết từ thời huyền sử khiến tôi luôn hình dung đến hình ảnh những thủy binh dũng mãnh dọc ngang sông nước chiến đấu với các loài thủy quái, hoặc đánh đuổi giặc ngoại bang thủa Vua Hùng dựng nghiệp. Xưa kia bơi chải còn là hình thức cha ông ta rèn luyện tài sức dẻo dai, bền bỉ mang tinh thần đoàn kết của các thủy binh. Ngày nay, bơi chải được duy trì nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, trở thành cuộc đua của các giáp nhân kỳ tiệc làng gắn với lễ thức cầu mùa màng của các làng xã dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Lô. Bơi chải đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đầy tinh thần thượng võ của một vùng quê với những con người quanh năm gắn bó với sông nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng ở phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc kể cho con cháu nghe về truyền thống bơi chải đầy tinh thần thượng võ của vùng đất ngã 3 sông
“Xa xưa lễ hội bơi chải ở Bạch Hạc được tổ chức vào dịp 20/5 âm lịch - đúng mùa nước sông lên rất to. Do bơi vào mùa nước nên trong một tiệc bơi đã bị đắm mất hai thuyền của hai giáp. Từ đó các cụ bô lão trong làng mới quyết định tổ chức tiệc bơi vào ngày 10/3, trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm” - bà Nguyễn Thị Hồng, 70 tuổi ở phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc kể lại.
Đội chải Bạch Hạc luôn là niềm tự hào của vùng đất ngã 3 sông vì có bề dày kinh nghiệm về đua chải
Chải của Bạch Hạc thời xưa làm từ cây gỗ trò đẽo liền và có tới 24 khoang, mỗi khoang rộng từ 1m - 1,2m với 48 tay chèo cùng một người cầm lái, một người gõ mõ hiệu. Trước đây, hội bơi chải hằng năm có 6 thuyền bơi của 6 giáp. Từ khi thi bơi chải được tổ chức vào tháng 3 âm lịch, số lượng chải của Bạch Hạc rút từ 6 chải xuống còn 4 chải gồm 4 giáp: Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Trúc, Bộ Đầu. Mỗi giáp một chải sơn một màu: Chải Tiên Hạc màu xanh, chải Đông Nam màu trắng, chải Thần Trúc màu đỏ, chải Bộ Đầu màu vàng. Các đấu thủ của giáp nào thì quần áo, khăn xéo, thắt lưng, cờ hiệu... đều theo màu chải của giáp ấy. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu bơi dạo để kiểm tra chải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống chải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính để đọ sức giữa các giáp. Đường bơi bắt đầu từ cửa bến Đình, về làng Đức Bác rồi quay lại đền Tiên Cát. Khi đến đền Tiên Cát thì ném thẻ chải xuống, các chải nhận thẻ và bơi về bến Đình, kết thúc cuộc đua, làm lễ trao giải.
Thanh Thủy nằm ven sông Đà nên có nhiều lợi thế để thành lập đội chải
Những năm gần đây, bơi chải từ quy mô của một hội làng do phường Bạch Hạc tổ chức đã được mở rộng ra các địa phương trong tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận. Hằng năm, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, lễ hội bơi chải Bạch Hạc được tổ chức tại thành phố Việt Trì đã thu hút được hàng vạn đồng bào và du khách về tham dự, tạo điểm nhấn hấp dẫn trong ngày hội vùng đất Tổ.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức cuộc thi bơi chải mở rộng tại Hồ Công viên Văn Lang nhằm mở rộng không gian lễ hội Đền Hùng, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu văn hóa thể thao của đông đảo nhân dân cùng du khách trong và ngoài nước về dự hội. Một số địa phương trong tỉnh, nhất là các địa phương nằm ở hữu ngạn sông Hồng gồm các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê và một phần của Hạ Hòa đã hình thành đội chải riêng để đua bơi trong những dịp lễ hội đầu xuân và giao lưu với các địa phương khác.
Ông Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Thanh Thủy cho biết: Thanh Thủy nằm ven sông Đà nên có nhiều lợi thế để thành lập đội chải. Các thành viên trong đội được tuyển chọn từ các xã khác nhau, ngành nghề khác nhau, lứa tuổi khác nhau trên địa bàn huyện. Nếu có kế hoạch tổ chức cuộc thi bơi chải là họ sẵn sàng gác lại công việc để hăng hái tham gia.
Cuộc thi bơi chải được tổ chức tại Hồ Công viên Văn Lang (thành phố Việt Trì) năm 2021 thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Bảo tồn và phát huy lễ hội bơi chải có ý nghĩa quan trọng nhằm khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương để duy trì phát triển hoạt động văn hóa thể thao dưới nước nhằm mục đích phát huy truyền thống của cha ông, tạo nguồn nhân lực tiến tới tham gia các cuộc thi bơi chải của tỉnh và trung ương tổ chức. Ngoài tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng thì các địa phương có thể tham gia các giải nội bộ hoặc tiến tới đăng cai các giải thể thao quốc gia để tăng cường giao lưu, nâng cao thành tích tập luyện, thi đấu môn thể thao dưới nước, tạo nên nét văn hóa riêng của vùng trung du đất Tổ.
Nguyễn Liên