Thứ ba, 03/10/2023 12:08 Thứ ba, 03/10/2023

Hỏi đáp trực tuyến

Chế độ trợ cấp chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Người hỏi: Hoàng Thị Thu

Từ tháng 12/2009 đến tháng 6/2021, tôi là giáo viên công tác tại trường học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tháng 6/2021, trường tôi không còn là trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nữa.  

Trong thời gian công tác từ tháng 12/2009 đến hết tháng 3/2010, tôi là giáo viên “Hợp đồng ngắn hạn” có đóng bảo hiểm. Tháng 4/2010, tôi được xét vào diện “Hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế”, hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và có đóng bảo hiểm. Tháng 12/2011, tôi được tuyển dụng, thời gian được tính để nâng lương lần sau là từ ngày 1/10/2010.

Trong suốt quá trình công tác từ lúc hợp đồng ngắn hạn; hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đến nay tôi đều tham gia đóng bảo hiểm và tôi có nghỉ thai sản 2 lần (mỗi lần 6 tháng vào năm 2013 và năm 2019). 

Vậy tôi muốn nhờ quý Sở giải đáp giúp tôi câu hỏi sau:

1. Khoảng thời gian tôi là giáo viên Hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 tôi có thuộc đối tượng hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 76/2019 không? 

2. Khoảng thời gian tôi là giáo viên Hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 có được tính là thời gian công tác tại trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 76/2019 không? 

Tôi xin chân thành cảm ơn!

STT Nội dung Tài liệu đính kém
1

Căn cứ đối tượng áp dụng tại Điều 2 Nghị định số 76/2019/NĐ-CPngày 08/10/2019 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã;

2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;

5. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

6. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”.

          Như vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 2, Nghị định 76/2019/NĐ-CP, trong khoảng thời gian bà là giáo viên hợp đồng (ngắn hạn, dài hạn) không được tính vào thời gian để hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác; đồng thời cũng không thuộc đối tượng để hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP.