Tin trong tỉnh
Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Người dân tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh
Năm 2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Riêng tại tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh đã ghi nhận 325.601 ca mắc COVID-19 (chiếm 99,05% tổng số ca mắc của tỉnh từ thời điểm bùng phát dịch), trong đó có 107 trường hợp tử vong. Trong năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 ca mắc cúm A/H5N1; 218 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 13/13 huyện, thị, thành (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021), không có trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tạị huyện Hạ Hòa và Tân Sơn; 106 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên người từ cấp tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, thường xuyên chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và phù hợp với diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Thanh Ba, công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm chú trọng. Ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và triển khai tới toàn bộ các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Hải Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cho biết: Chúng tôi đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người của huyện chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên toàn huyện; triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là các dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, cúm A/H5, đậu mùa khỉ, tay chân miệng… Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn các trạm y tế thực hiện nghiêm túc các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Duy trì tốt công tác giám sát và báo cáo dịch bệnh tại tất cả các tuyến qua hệ thống phần mềm giám sát các bệnh truyền nhiễm, hệ thống email. Mạng lưới giám sát các bệnh truyền nhiễm của huyện hoạt động hiệu quả từ huyện đến cơ sở đã giúp phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc mới để quản lý, theo dõi, điều trị và triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Cán bộ Trạm Y tế xã Võ Lao, huyện Thanh Ba tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch sốt xuất huyết
Thời gian qua, Trạm Y tế xã Võ Lao, huyện Thanh Ba đã giám sát 100% các ổ dịch cũ, phát hiện ổ dịch mới bao vây và xử lý ổ dịch kịp thời; triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch đúng quy định, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn xã.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Võ Lao chia sẻ: Ngay sau khi phát hiện có dịch xảy ra, chúng tôi thực hiện khoanh vùng ổ dịch và báo cáo lên tuyến trên. Sau đó tùy theo nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng để triển khai các biện pháp phòng dịch thích hợp; đồng thời lập kế hoạch dập dịch cụ thể. Trạm y tế cũng thành lập tổ, đội cấp cứu phòng chống dịch để xuống địa bàn có dịch xảy ra khi cần thiết; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, dịch truyền khi có dịch xảy ra. Đặc biệt, hằng ngày chúng tôi đều phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong xã tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức phòng chống dịch đến mọi người dân.
Theo Thạc sĩ, bác sỹ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế: Trong thời gian tới dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Mặc dù dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên trong tình hình mới các hoạt động giao thương trở lại bình thường, vi rút SARS-CoV-2 có thể xuất hiện các biến chủng mới. Một bộ phận không nhỏ người dân còn chủ quan với dịch bệnh, không tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 nên luôn thường trực nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Bên cạnh đó, các bệnh dịch nguy hiểm đã được phòng ngừa chủ động, song diễn biến còn phức tạp, nguy cơ trở lại của một số bệnh như: Cúm A/H5N1, H7N9, Ebola, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà,… luôn tiềm tàng. Hơn thế, một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hết trong thời gian dài, trẻ không được tiêm chủng khi đến lịch tiêm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh bị hết vắc xin là khá lớn…
Để công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn đạt hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch. Các ngành, các cấp và cộng đồng chủ động, tích cực thưc hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với phạm vi và lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương.
Với vai trò là cơ quan thường trực, ngành Y tế tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống giám sát tại các tuyến, phát hiện sớm trường hợp mắc mới, ổ dịch mới trong cộng đồng, thực hiện khoanh vùng ổ dịch và kịp thời triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm và thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm (giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát ca bệnh...) để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát. Kiện toàn và củng cố đội đáp ứng nhanh tại các tuyến; chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thuốc, hoá chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng; đồng thời tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin bổ sung theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng trong chỉ định tiêm, rà soát, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin, không để sót, lọt đối tượng trong chỉ định tiêm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, đảm bảo người dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh truyền nhiễm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và theo khuyến cáo của ngành Y tế. Hiện một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp tốt nhất vẫn là thực hiện diệt muỗi, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, duy trì lối sống lành mạnh… Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp.
Lệ Thủy