Tin tức
Con cháu Lạc Hồng hướng về nguồn cội
Sau hơn 40 năm, dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, bà Bàn Thị Thanh (người mặc áo đỏ) mới trở lại Đền Hùng
Hằng năm cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thứ (68 tuổi) ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc lại cùng các đồng chí, đồng đội của mình về thăm Đền Hùng để thắp nén hương thơm trên mộ Tổ và ôn lại truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Với người cựu binh này, mỗi lần trở về Đền Hùng như gợi nhớ về những năm tháng lịch sử hào hùng và vang vọng trong không gian lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Dắt theo người cháu nhỏ, từng bước chân của ông Trần Văn Khôi ở thành phố Cần Thơ - người đàn ông đã qua tuổi thất thập lên dâng hương Đền Hùng vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. “Hằng năm, cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tại một số điểm thờ Vua Hùng trong miền Nam cũng tổ chức lễ dâng hương, tôi và gia đình thường xuyên tham gia hoạt động này. Nhưng khi đến với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thắp hương tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng và mộ Tổ, tôi mới thực sự cảm nhận được sợi dây liên kết của tình đồng bào, chung một cội nguồn” - ông Khôi xúc động cho biết.
Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thứ (người ngoài cùng bên trái), mỗi lần về Đền Hùng đều gợi nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc
Vượt qua hơn 120km, bà Bàn Thị Thanh (dân tộc Dao Tiền) ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có mặt tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng từ khá sớm. Không giấu được niềm xúc động khi đặt chân lên từng bậc đá Đền Hùng, bà Thanh chia sẻ: Tôi về Đền Hùng từ những năm 80 của thế kỷ trước, vì hoàn cảnh gia đình và công việc nên sau nhiều năm giờ đây mới có cơ hội quay trở lại. Bây giờ Đền Hùng khang trang, sạch đẹp quá. Được về đây để thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho mọi người, mọi nhà bình an, may mắn.
Ông Trần Văn Khôi và người cháu nhỏ vượt hàng nghìn cây số để về bái Tổ
Những năm gần đây, giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để con cháu đất Việt 4 phương tìm về nguồn cội mà còn là cơ hội để nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa của một dân tộc kiên cường, hiếu khách với bề dày hàng nghìn năm lịch sử.
Chăm chú ngắm nhìn không gian Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, anh Lee Eui Jong (quốc tịch Hàn Quốc) đang làm việc tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có chung một ngày quốc giỗ. Để tìm hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa của các bạn, tôi cùng đồng nghiệp đã đến đây. Tận mắt chứng kiến từng dòng người về dâng hương các Vua Hùng, tôi rất xúc động. Đặc biệt, ở đây các bạn làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, điều mà nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải từng ngày, từng giờ đối mặt. Tôi cảm thấy yên tâm và an toàn khi đến đây.
Anh Lee Eui Jong (người bên phải) rất ấn tượng bởi công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai nghiêm túc lại Khu di tích
Trong dòng người hành hương về Đất Tổ, chúng tôi cảm nhận rõ cảm xúc sâu lắng và niềm tự hào của mỗi người dân khi nhắc đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có thể nhận thấy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng, trải dài từ Bắc vào Nam; gần như ở khắp các tỉnh, thành phố, nơi nào có người Việt sinh sống thì nơi đó có thờ cúng Hùng Vương.
Tháng 3 về, những người con đất Việt hành hương về Đất Tổ, thành kính dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng
Trải qua năm tháng, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là niềm tự hào của muôn triệu đồng bào trong và ngoài nước, trường tồn cũng lịch sử dân tộc. Các thế hệ con Lạc, cháu Hồng mãi khắc ghi công đức các Vua Hùng, nguyện nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Thanh Hòa