Công ty Điện lực Phú Thọ: Nỗ lực cung cấp điện năng và đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh

PhuthoPotal - Năm 2022, Công ty Điện lực Phú Thọ đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của nhân dân; đồng thời, chú trọng công tác đầu tư để cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa lưới điện trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Phú Thọ kiểm tra tiến độ công trình Máy biến áp T2 của trạm 110kV Thụy Vân

Dự kiến sản lượng điện năm 2022 đạt 3,69tỷ kWh; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hằng năm trên 10%, trong đó tỷ trọng điện năng cung cấp cho công nghiệp xây dựng chiếm 63%, mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 13 - 15%. Một số huyện có mức tăng trưởng rất cao như Cẩm Khê (25%); thị xã Phú Thọ (20%); Tam Nông, Thanh Thủy (19%); Yên Lập (17%)...

Điện thương phẩm bình quân trên đầu người dân đến cuối năm 2022 đạt 2.500 kWh/người/năm, tăng 12% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Phú Thọ đẩy mạnh ứng dựng khoa học, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tạo sự tiện lợi cho khách hàng sử dụng điện. Công ty xây dựng Trung tâm điều khiển xa để quản lý, điều tiết mọi hoạt động của hệ thống điện trên địa bàn một cách thống nhất và hiệu quả. Trong đó, toàn bộ các thiết bị điện được giám sát, điều khiển xa từ trung tâm qua phần mềm quản lý lưới điện góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Công ty đưa hệ thống đo đếm điện năng tự động vào sử dụng. Hiện nay, 75% hệ thống đo đếm điện năng được tự động hóa và dự kiến đến hết năm 2023 đạt 100%. Với hệ thống đo đếm tự động, khách hàng sử dụng điện có thể tức thời giám sát, tra cứu tình hình sử dụng điện của mình để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Công ty cũng phối hợp, liên kết với các tổ chức ngân hàng, bưu điện, Viettel, VNPT để cung cấp các dịch vụ kinh doanh, chăm sóc khách hàng như thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt… Cung cấp 12 dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bao gồm các dịch vụ về cấp điện mới trên lưới trung, hạ áp, thay đổi hợp đồng mua bán điện… Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng đã làm chỉ số tiếp cận điện năng đối với các thủ tục do ngành điện rút ngắn được 3 ngày so với quy định; tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 93%...

Với phương châm “Điện đi trước một bước” trong công tác xây dựng hạ tầng cơ bản, từ năm 2020 đến nay, ngành Điện chú trọng công tác đầu tư để cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa lưới điện như: Xây dựng mới 1 trạm biến áp 220kV; 8 trạm 110kV; hơn 1.400km đường dây trung và hạ thế; 687 trạm biến áp phân phối với tổng công suất hơn 193.000 kVA.

Công tác đầu tư xây dựng được thực hiện kịp thời đã đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh. Đặc biệt hạ tầng lưới điện không ngừng được đầu tư mở rộng đã đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh, góp phần nâng hạng chỉ số cạnh tranh, từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh.

Hương Giang