Tin tức
Đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, hình thức
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: chinhphu.vn)
Đồng chí Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ. Dự hội nghị có các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.
Phát biểu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chinh nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số Quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Vì vậy, vai trò của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất quan trọng nhằm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số Quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, 2030 và 2045.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước. Các bộ, ngành, địa phương trước mắt phải tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua; xác định những việc chưa làm được để phân tích, chỉ rõ nguyên nhân; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế trong quý II và thời gian tới.
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, chắc chắn hơn.
"Đây là vấn đề khó nhưng không thể không làm và cần lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên, sắp xếp nguồn lực, thời gian, sự chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra giám sát, phù hợp với tình hình. Mỗi quý, 6 tháng, mỗi năm, công tác chuyển đổi số phải có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể lượng hóa được. Phương châm thực hiện chuyển đổi số là nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể, hiệu quả nhất có thể, kịp thời nhất có thể với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Phát triển có lộ trình, mục tiêu, an toàn, bền vững” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Về quan điểm thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương liên tục đổi mới, chứa đựng động lực mới, mở ra không gian phát triển mới. Có tư duy đột phá để có nguồn lực đột phá. Có tầm nhìn chiến lược với mục tiêu, mục đích phát triển rõ ràng, an toàn, bền vững, đúng trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp.
Trong quý II/2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng.
Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Năm 2022 và những năm tiếp theo được xác định là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Tính đến hết tháng 3/2022, 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ số. Trong đó, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.
Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,33% tổng số thủ tục hành chính); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 17,17%, tương đương quý I/2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%, tăng 8,82% so với quý I/2021.
Ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I/2022 khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP, trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu trung ương đến các tỉnh, thành phố trên cả nước
Tại Phú Thọ, thực hiện Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; đảm bảo đầy đủ các điều kiện kỹ thuật kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hệ thống cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 75%. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến toàn tỉnh đạt 51,39%.
100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan hành chính, đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của Chính phủ.
Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã góp phần giảm tải đáng kể công tác báo cáo của các cấp chính quyền. Tỉ lệ báo cáo trực tuyến đạt 30%.
Phú Thọ là một trong 6 tỉnh hoàn thành mục tiêu 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 doanh nghiệp. Tỉnh Phú Thọ hiện có trên 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 18 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 69 nghìn tỷ đồng.
Lệ Thủy