Tin tức – Sự kiện
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có lãnh đạo Sở Công Thương; lãnh đạo một số sở, ngành và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Thời gian qua, các địa phương cũng đã quan tâm, có nhiều chính sách ưu đãi phát triển CCN, góp phần thu hút đầu tư, đưa công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc phát triển CCN vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.
Đồng chí đề nghị thời gian tới các địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định về phát triển CCN. Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở ngoài khu, CCN. Đồng chí lưu ý, khi thành lập CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, nguồn vốn, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút, lấp đầy CCN.
Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý CCN trên địa bàn. Trong đó lưu ý việc phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện và đơn vị liên quan về giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nguyên tắc Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý về CCN. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương trên cơ sở chiến lược của ngành và lợi thế của địa phương. Chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển CCN.
Đến hết năm 2020 trên địa bàn cả nước có 968 CCN với tổng diện tích 30.912ha đã được thành lập. Đến nay có 955 CCN với tổng diện tích 20.222ha đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư trên 115.200 tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CCN, qua đó đã tạo hành lang pháp lý trong quản lý, phát triển CCN; đồng thời ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN.
Các địa phương nhìn chung thực hiện nghiêm công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật; trong đó, nhiều địa phương đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Chất lượng công tác bổ sung, thành lập mới các CCN đã được nâng lên rõ rệt.
Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành Quy chế quản lý CCN theo quy định; cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất trong CCN; thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.
Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương. Thông qua hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động...
Tuy nhiên, việc quản lý, đầu tư phát triển CCN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN còn chậm; thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN còn phức tạp, tốn kém thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 có 28 CCN với tổng diện tích 1.100ha; tổng số CCN đã thành lập là 21 CCN với tổng diện tích 1.076ha. Trong đó, số diện tích các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng là 676ha; tỷ lệ lấp đầy CCN đạt trên 51%. Tổng số dự án đăng ký là 134 dự án với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 14.560 lao động, nộp ngân sách nhà nước trong kỳ báo cáo là 650 tỷ đồng.
Để quản lý, phát triển CCN trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về các CCN trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tỉnh cũng trình Bộ Công Thương cho ý kiến mở rộng, điều chỉnh quy hoạch các CCN; thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2021 đã lựa chọn được 4 nhà đầu tư hạ tầng cho 4 CCN với tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.500 tỷ đồng.
Công tác thẩm định, thành lập mở rộng phê duyệt quy hoạch chỉ tiết các CCN thực hiện đảm bảo theo yêu câu về trình tự thủ tục, thời gian theo quy định.
Huyền Trang