Tin hoạt động
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng thành công bảo hiểm xã hội số
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh
PV: Thưa ông, trước xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ngành BHXH tỉnh đã có những việc làm cụ thể như thế nào để mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới xây dựng thành công bảo hiểm xã hội số?
Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tất cả các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Trong công tác quản lý, BHXH tỉnh đã thực hiện việc số hóa, gửi nhận văn bản, tài liệu điện tử giữa các đơn vị trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; đồng thời vận hành có hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình để tổ chức hội nghị, hội thảo, họp trực tuyến với các đơn vị.
Đối với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, BHXH tỉnh đã chuyển đổi thành công cơ sở dữ liệu của BHXH tỉnh về cơ sở dữ liệu tập trung của ngành. Tất cả các hoạt động nghiệp vụ đều được thực hiện thông qua các phần mềm và ký số các hồ sơ điện tử. Trong đó, đã đẩy mạnh việc tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tăng cường thực hiện giải quyết thủ tục hành chính bằng giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đặc biệt, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh triển khai, hướng dẫn toàn thể người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di dộng - đây là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, được chính thức ra mắt vào ngày 16/11/2020. Thông qua ứng dụng nhằm cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, BHXH tỉnh thường xuyên cử cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ tại Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc BHXH Việt Nam; đồng thời yêu cầu toàn thể cán bộ thường xuyên học tập, tự học hỏi nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của toàn ngành.
PV: Xin ông cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả và có tác động ra sao đối với hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành BHXH tỉnh?
Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành BHXH đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và ngay cả cơ quan BHXH. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo lĩnh vực BHXH được chính xác và kịp thời; rút ngắn thời gian giải quyết công việc và giảm bớt các khâu trung gian. Các hoạt động nghiệp vụ trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, từ năm 2017, BHXH tỉnh bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử; đồng thời thực hiện các trình tự liên thông với cơ sở dữ liệu Bộ Tư pháp để kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh có 267 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dữ liệu lên Cổng giám định điện tử.
Hiện các phần mềm nghiệp vụ BHXH đều được tích hợp liên thông gắn với việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 11/2022, BHXH tỉnh tiếp nhận 424.164 hồ sơ, trong đó có 407.197 nhận theo hình thức trực tuyến, chiếm 96% tổng số hồ sơ lĩnh vực BHXH. Qua đó giúp cán bộ BHXH rút ngắn thời gian kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH; giúp người dân thực hiện nhanh chóng các thủ tục hành chính, giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.
Đối với việc triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 11/2022, toàn tỉnh có trên 55.000 người cài đặt ứng dụng. Thông qua việc cài đặt và sử dụng ứng dụng, người dùng có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động cho người lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đây cũng là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN để người sử dụng thấy được giá trị nhân văn của các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.
PV: Xin ông cho biết, ngành BHXH tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ và giải pháp gì để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng thành công bảo hiểm xã hội số trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Trong thời gian tới, ngành BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng thành công BHXH số. Trọng tâm là tiếp tục triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo hướng sâu hơn, rộng hơn ở các hoạt động nghiệp vụ; tập trung phát triển hơn nữa ứng dụng VssID và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kết nối dữ liệu của BHXH tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ quan liên quan… Đây là nền tảng quan trọng để toàn ngành tiếp tục hiện đại hóa toàn diện bộ máy quản lý, mang lại lợi ích và nâng cao sự hài lòng từ phía người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng thành công BHXH số trên địa bàn tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hòa (thực hiện)