Thứ bảy, 30/09/2023 22:32 Thứ bảy, 30/09/2023

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật y tế cơ sở, y tế dự phòng

PhuthoPortal - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngày 29/5/2023, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, ĐBQH tỉnh Phú Thọ trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Về kết quả đạt được trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 1/2020 - 1/2023, Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch; Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, hàng trăm văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19; tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19… 

Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc-xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hổ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến… Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: Hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao; đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch...

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam tham gia thảo luận tại hội trường

Về kết quả đạt được của việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế. 

Giai đoạn 2018 - 2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch COVID-19. Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện đóng trên địa bàn; 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.

Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế.

Đề cập đến nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam cho biết: Trong những năm qua, hệ thống y tế cơ sở nước ta đã được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực hiệu quả, song qua giám sát thực tế ở các địa phương cho thấy y tế cơ sở còn nhiều tồn tại: Mô hình tổ chức bộ máy y tế còn thiếu tính ổn định, chưa thống nhất trong cả nước; cơ sở vật chất còn hạn chế, vẫn còn 22,1% số trạm y tế xã chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới; số lượng nhân lực y tế cơ sở thấp hơn so với định mức biên chế được giao…

Để thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc  và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đặt ra là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, trong đó: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ…” đòi hỏi phải có những quyết sách quyết liệt, hiệu quả đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, trong đó đại biểu Nguyễn Thành Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư tăng cường cơ sở vật chất; có giải pháp bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở, nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở để đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe, nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời có cơ chế chính sách rõ ràng để tăng tỷ lệ chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, thu hút người dân khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở.

Liên quan đến vấn đề y tế dự phòng, theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18/2008/QH12 và Nghị quyết số 20-NQ/TW, cụ thể năm 2018 là 20,32% và năm 2022 là 28,62%, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Do vậy, nếu không quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị bảo đảm nguồn kinh phí chi cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách ngành y tế theo Nghị quyết số 20-NQ/TW; trong đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng. Trước mắt phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14 nghìn tỷ đồng vốn của Chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.

Khổng Thủy