Hoạt động xúc tiến đầu tư
Đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công
Công trình Trường THPT Chuyên Hùng Vương là dự án trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành trong năm 2022
Năm 2022, tỉnh đã bố trí vốn tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng dàn trải; ưu tiên sử dụng nguồn vượt thu, chuyển nhiệm vụ chi, kết dư từ năm 2021 chuyển sang, tiền thu sử dụng đất và tranh thủ vốn hỗ trợ ngân sách trung ương bổ sung năm 2022 để bố trí khởi công đồng loạt các dự án trọng điểm thuộc danh mục đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Tổng vốn đầu tư công đến tháng 12/2022 đã phân bổ 6.301 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn ngân sách cấp huyện, xã là 2.752,7 tỷ đồng), tăng 58,5% so kế hoạch, trong đó vốn phân bổ từ đầu năm là 3.976 tỷ đồng; vốn bổ sung từ ngân sách trung ương là 1.722 tỷ đồng; vốn bổ sung ngân sách tỉnh là 603 tỷ đồng.
Để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tỉnh ưu tiên các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng quan trọng; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, kế hoạch đấu thầu; đôn đốc các chủ đầu tư rà soát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án; tăng cường thanh tra, kiểm tra gắn với xử lý việc chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý chất lượng công trình.
Đặc biệt, toàn tỉnh quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn để sớm triển khai thi công. Là địa phương triển khai nhiều dự án trọng điểm trong năm 2022, Tam Nông xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Theo ông Vương Đức Thủy - Bí thư Huyện ủy cho biết: Hiện nay huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 34 dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án trọng điểm. Ngay từ đầu năm, BTV Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; chỉ đạo Ủy ban MMTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tập trung hướng về cơ sở, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án.
Hội đồng Đền bù Giải phóng mặt bằng huyện Tam Nông kiểm tra thực tế khu vực thu hồi đất thực hiện dự án Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C từ tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái
Với tổng diện tích phải bồi thường là 433.2ha; đến nay, diện tích huyện đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong là 274,4ha, của 1.367 hộ dân, đạt 63,2% tổng diện tích phải bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ttrong đó, số dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là 12 dự án, diện tích 94,2 ha; đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng 22 dự án, với diện tích là 158,8ha. Riêng đối với các dự án đầu tư công, tỷ lệ giải ngân đến nay đã đạt 85% kế hoạch.
Tính chung toàn tỉnh đến ngày 15/12/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu công đạt 69,2% (cao hơn trung bình chung của cả nước). Để thực hiện mục tiêu giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt 98,5% kế hoạch (trong đó vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực đạt 100%, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia đạt >80%, vốn ngân sách địa phương đạt 100%), tỉnh đang rà soát lại tiến độ, lập chi tiết triển khai; yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, xử lý kịp thời khiếu nại của người dân. Phú Thọ cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình…; kiên quyết cắt giảm điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không đạt tiến độ theo các mốc thời gian quy định. Các địa phương, đơn vị cũng đang tăng tốc triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Dự án cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ
Bước sang năm 2023, Phú Thọ quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; phấn đấu cơ bản hoàn thành một số dự án quan trọng: Tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến đường tỉnh 320C (đường đi xã Đông Thành, huyện Thanh Ba); nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 319, huyện Đoan Hùng; đường giao thông nối QL32 đi đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà; cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B của tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; đường kết nối từ trung tâm huyện Thanh Ba đi cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành qua đường tỉnh 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cải tạo, nâng cấp và gia cố đường Âu Cơ; đường dẫn đầu cầu Vĩnh Phú. Đồng thời, khởi công 3 dự án do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư trên địa bàn gồm: Đường ống hồ Ngòi Giành; hồ Thục Luyện - huyện Thanh Sơn; kè bảo vệ bờ tả sông Thao đoạn từ thị trấn Hạ Hòa.
Các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công; ưu tiên nguồn lực vào các nhiệm vụ - quan trọng, cấp bách của phục vụ các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT- TTg ngày 17/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Đồng thời có cơ chế thúc đẩy đầu tư, liên kết vùng, thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư xã hội, tạo thêm nhiều nguồn lực để bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Khánh Trang