Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2022)

PhuthoPortal - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2022), Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ xin trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2022).

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Phú Thọ là nơi có địa bàn chiến lược quan trọng nên vừa bị địch chiếm đóng (một số vị trí thuộc các huyện phía Tây Nam tỉnh), vừa là tỉnh cung cấp sức người, sức của rất lớn cho các chiến dịch so với các tỉnh khác trong liên khu Việt Bắc. Vì vậy, quân Pháp đã nhiều lần tấn công ra vùng tự do của tỉnh, phá hoại hậu phương kháng chiến. Song, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh dũng cảm chiến đấu, góp phần đánh bại nhiều trận tấn công, càn quét của địch lên địa bàn, góp phần vào chiến công chung của cả nước, trong đó lớn nhất, vẻ vang nhất là chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, ngày 17/11/1952.

I. Bối cảnh lịch sử

Sau thất bại nặng ở chiến dịch Hoà Bình (cuối năm 1951), được Đế quốc Mỹ viện trợ trên 100 tỷ Franc cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại (máy bay, xe tăng, tàu thuyền, pháo 105 ly…), thực dân Pháp tăng nguỵ quân, lập thêm các binh đoàn cơ động mạnh G.M (groupement mobile), nâng tổng quân số lên 34 vạn tên, trong đó có 90 tiểu đoàn Âu - Phi làm nòng cốt; đồng thời tăng cường càn quét ở trung du, đồng bằng, gây cho ta nhiều khó khăn.

Về phía ta, với những thắng lợi đã đạt được trước đó, lực lượng vũ trang ta mạnh lên rất nhiều cả về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến; từ các binh đoàn chủ lực đến bộ đội địa phương, dân quân du kích được bổ sung, huấn luyện, chỉnh quân chính trị, quyết tâm thực hiện tốt những yêu cầu ngày càng cao hơn của cuộc kháng chiến.

Tháng 9/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng miền Tây Bắc, nơi đất rộng người thưa, cư dân hầu hết thuộc đồng bào các dân tộc ít người, đời sống còn thấp kém do bị bóc lột nặng nề. Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng; phía Tây là biên giới Việt - Trung, phía Nam là tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ và các tỉnh Liên khu 3, Liên khu 4. Từ đây địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Phú Thọ và che chở cho Thượng Lào, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài, lập nên “xứ Thái tự trị” để chia rẽ và bóc lột đồng bào ta.

Đợt I chiến dịch Tây Bắc bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 24/10/1952 đã kết thúc thắng lợi. Quân ta đã tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành ngoài Tây Bắc của địch. Một dải đất mênh mông bờ tả ngạn sông Đà từ bắc Quỳnh Nhai xuống Vạn Yên sạch bóng quân thù. Ta hoàn toàn làm chủ con đường 13 nối liền thị xã Yên Bái với Nghĩa Lộ.

Trong lúc chúng ta tích cực chuẩn bị cho đợt II chiến dịch, Pháp vội vã tăng cường cho Tây Bắc tới 7 tiểu đoàn, hòng củng cố phòng tuyến Sơn La - Lai Châu, đồng thời, mở cuộc hành quân Loren với một binh lực lớn đánh lên Phú Thọ, nhằm phân tán chủ lực của ta, quấy rối và phá hoại hậu phương trực tiếp của chiến dịch, hy vọng cứu vãn tình thế hết sức nguy ngập của chúng ở Tây Bắc.

Phán đoán được âm mưu của thực dân Pháp, ngay từ tháng 9/1952, Tổng Quân uỷ đã ra Chỉ thị cho Tỉnh uỷ Phú Thọ nêu rõ: “Trong khi chủ lực ta đánh mạnh trên các chiến trường chính thì địch sẽ đối phó bằng cách tấn công ra Phú Thọ để kiềm chế, chia sẻ lực lượng ta, đồng thời phá hoại kinh tế, kho tàng, mùa màng của ta, khủng bố nhân dân, bắt thanh niên đi lính. Tóm lại, chúng nhằm phá hoại nguồn cung cấp nhân, vật lực của ta, gây khó khăn cho tiền tuyến. Vì vậy, nhiệm vụ của Đảng bộ và các lực lượng vũ trang là phải tích cực đánh địch bằng mọi cách để bảo vệ kho tàng, mùa màng, bảo vệ nhân dân”.

Thực hiện Chỉ thị trên, Tỉnh uỷ nhanh chóng tổ chức cuộc họp với các huyện để phổ biến tình hình, âm mưu của địch và bàn các phương án tác chiến, chống càn quét. Các đồng chí Tỉnh uỷ viên được phân công xuống thị sát các huyện có nhiều kho tàng và cơ quan Trung ương đóng, chỉ đạo công tác bảo vệ và phân tán tài sản ra nhiều nơi, đề phòng địch tấn công bất ngờ…

2. Diễn biến trận đánh

Ngày 28/10/1952, Bộ chỉ huy Pháp mở cuộc hành quân Loren, do tướng Đờ Li-na-rét (De Linares), tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ trực tiếp chỉ huy. Chúng huy động một lực lượng lớn gồm: 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn xung kích, 4 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn cơ giới, 7 đại đội công binh, chia thành 2 mũi: 1 mũi tiến sâu lên Đoan Hùng, 1 mũi ồ ạt đánh vào khu vực hữu ngạn sông Thao, càn quét các huyện Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, chiếm đường 11.

Sau khi chốt một số cứ điểm ở hữu ngạn sông Thao, ngày 02/11/1952 địch bắt đầu tiến công sang tả ngạn, đánh chiếm thị xã Phú Thọ, rải quân chiếm giữ quốc lộ 2 và các tuyến đường giao thông (Phú Thọ - Phú Hộ; Ngọc Tháp - Gò Gai; Cao Mại - Tiên Kiên - Phù Lỗ; Phú Hộ - Việt Trì…). Ở những vị trí đã chiếm, chúng cho xây dựng công sự móc nối với bọn phản động địa phương tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời, ra sức càn quét triệt phá làng mạc, cướp bóc, làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và Nhân dân ta.

Được sự chỉ đạo chặt của cấp trên và sự chuẩn bị chu đáo của Đảng bộ nên mặc dù địch có lực lượng lớn, thủ đoạn thâm độc nhưng các lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Thọ đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều mũi tiến công của địch. Trong suốt chiến dịch, quân dân Phú Thọ đã sát cánh cùng bộ đội chủ lực đánh nhiều trận hiệp đồng thắng lợi giòn rã, đặc biệt đã phối hợp với Trung đoàn 176 đánh 104 trận lớn nhỏ. Chỉ riêng ở chiến trường hữu ngạn sông Thao, từ ngày 28/10 đến 07/11/1952, bộ đội địa phương và dân quân du kích của tỉnh đã đánh 73 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 712 tên, bắt sống gần 100 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng của địch. Nhiều đơn vị đã lập công xuất sắc, tiêu biểu như: bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Tam Nông đã đánh 19 trận, giết 78 tên và làm bị thương 30 tên; quân dân huyện Hạc Trì đánh 27 trận tiêu diệt và làm bị thương 160 tên, giải phóng 300 thanh niên bị địch bắt, đồng thời bảo vệ nhân dân sơ tán an toàn hàng trăm tấn thóc và hàng hoá của nhà nước…

Bị đánh khắp nơi, trong khi phải dàn mỏng lực lượng trên một số chiến tuyến dài 80 km, khó khăn về cung cấp hậu cần và liên lạc; quân số hao hụt dần, tinh thần binh lính mệt mỏi, địch buộc phải kết thúc trận sớm hơn dự định.

Dự đoán trước việc rút quân của chúng, ngày 09/11/1952, Bộ Tổng tư lệnh điều Trung đoàn Bắc - Bắc (Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn Quân tiên phong 308) từ chiến trường Tây Bắc về Phú Thọ, cùng quân và dân địa phương chặn đánh địch. Trên cơ sở phân tích tình hình, Ban Chỉ huy mặt trận Phú Thọ cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn Bắc - Bắc quyết định tổ chức trận phục kích táo bạo trên đường quốc lộ 2, đoạn Chân Mộng - Trạm Thản (thuộc địa phận giáp ranh huyện Đoan Hùng - Phù Ninh - Thanh Ba). Được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, các đơn vị bộ đội chủ lực đã lần lượt vào chiếm lĩnh trận địa theo đúng kế hoạch đã định.

Sáng ngày 17/11/1952, đúng như dự kiến, đội hình hành quân của địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Các chiến sĩ Trung đoàn 36 và lực lượng vũ trang địa phương anh dũng xông lên, chụp lửa xuống đoàn xe địch. Cuộc hành quân của chúng bị cắt làm đôi, số địch đi đầu thoát chết chạy thẳng về Phú Hộ. Số còn lại nằm gọn trong tầm bắn của bộ đội ta. Máy bay địch lồng lộn gầm rú nhưng chỉ dám bắn xa đường vì sợ bắn nhầm vào quân của chúng… Sau 20 phút chiến đấu, 21 xe cơ giới của địch bị bốc cháy cùng hàng trăm tên xâm lược bị đền tội. Với phương châm đánh nhanh, diệt gọn, quân ta tiếp tục truy kích, diệt thêm 13 xe nữa. Kết quả, sau một ngày chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 400 tên địch, phá huỷ 44 xe cơ giới, trong đó có 17 xe tăng, xe bọc thép, thu nhiều quân trang, quân dụng của địch. Đây là trận đánh phá huỷ được nhiều xe cơ giới nhất ở Đông Dương kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến.

Sau trận Chân Mộng - Trạm Thản, lực lượng của ta được củng cố, tiến theo quốc lộ 2 truy đuổi địch ở vùng Phú Hộ, núi Voi, đồi Chò, núi Quyết… tiêu diệt 108 tên, bắt sống 7 tên, đưa tổng số quân địch bị tiêu diệt và bị bắt lên đến hơn 600 tên. Bị thiệt hại nặng nề, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh cho tướng Đờ Li-na-rét kết thúc cuộc hành quân Lo - ren, rút lực lượng về đối phó với mặt trận đồng bằng Tây Bắc. Ngày 25/11/1952, quân Pháp rút khỏi Phú Thọ.

3.  Ý nghĩa lịch sử

Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản đã đi vào lịch sử oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lịch sửĐạiđoàn Quân tiên phong nói riêng, trong đó có sự đóng góp tích cực của quân và dân Phú Thọ. Phá vỡ âm mưu tìm diệt chủ lực và phá hoại hậu phương kháng chiến của thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Bắc, đánh dấu sự phát triển, thế chủ động chiến lược, để tiến tới giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản là kết quả truyền thống đoàn kết quân dân một ý chí, kết hợp bộ ội chủ lực với dân quân du kích địa phương. Thắng lợi của trận chiến này không thể tách rời công lao to lớn của nhân dân địa phương Trạm Thản và các xã lân cận trong việc đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, dẫn đường, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu cùng bộ đội để làm nên chiến thắng, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp mà kết thúc là chiến thắng Điện Biên phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Trạm Thản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Trạm Thản (huyện Phù Ninh).

Để ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh làm nên chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, những năm 1955 - 1956 dưới sự lãnh đạo của tỉnh, cán bộ và nhân dân huyện Phù Ninh đã xây dựng nghĩa trang Trạm Thản, đưa những người con thân yêu đã hy sinh trên mảnh đất này có nơi an nghỉ ngàn thu. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều liệt sỹ là con em mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trong trận thắng lịch sử vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952 - 17/11/2002), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ LĐTBXH cho xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sỹ Trạm Thản như hiện nay. NHững năm gần đây, Tỉnh Phú Thọ, Huyện Phù Ninh đã có nhiều quan tâm, chỉnh trang nghĩa trang, xây mới bức phù điêu, nhà truyền thống, trồng cây xanh và các hạng mục trưng bày, nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công với nước, giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn.

Vào những dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn và đặc biệt là ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm, Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính tị - xã hội và trực tiếp là Đảng bộ và nhân dân xã Trạm Thản luôn tu sửa, vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ và thể hiện bằng những hành động thiết thực để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì đất nước cho hoà bình hôm nay. Đồng thời, giáo dục ý thức giữ gìn và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, bảo quản hiện vật chiến tranh và hướng dẫn hàng ngàn lượt khách, các đồng chí lãnh đạo viếng thăm nghĩa trang liệt sỹ. Song song với việc luôn tu sửa, tôn tạo các di tích lịch sử, Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Ninh cho xây dựng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Đó là việc làm thiết thực để giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ghi sâu công ơn của những người con đã để lại xương máu của mình cho Tổ quốc, cho chúng ta có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

70 năm trôi qua, thời gian đó so với lịch sử cách mạng chưa phải là dài, nhưng với Đảng bộ và Nhân dân huyện Phù Ninh, Đảng bộ và nhân dân xã Trạm Thản đã làm được nhiều việc, cùng với nhân dân tỉnh Phú Thọ và cả nước xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn - to đẹp hơn” từ trên bãi chiến trường, đáp lại sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, phát huy tinh thần yêu nước, dũng cảm, Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Ninh quyết tâm đem hết khả năng và nghị lực, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Ninh lần thứ XXIX, đưa Phù Ninh sớm trở thành huyện cơ bản đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Huyện ủy Phù Ninh