Làng Xoan vào hội

PhuthoPortal - “Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh/ Trồng bông ta luống a đậu, luống đậu, luống ơ cà/ Ai làm cho luống công ơ ta thế nà/ Chứ đường ai làm, ai làm cho luống/ Rằng ở công đây, ở đây, ở rằng công đây, ở rằng công đây”. Nhiều ngày nay, ở khắp các phường Xoan trong tỉnh, đâu đâu cũng vang lên tiếng trống, tiếng phách hòa cùng điệu Hát Xoan ngọt ngào. Các nghệ nhân đang tích cực luyện tập, chuẩn bị những tiết mục hay nhất phục vụ cho Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay. Từ nghệ nhân cao tuổi cho đến nghệ nhân trẻ, ai ai cũng nỗ lực hết mình trong từng câu hát, điệu múa để giới thiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế về di sản Hát Xoan.

Đến đình An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì những ngày này đông vui và tấp nập hơn ngày thường. Ngay từ sáng sớm, các bà, các chị trong phường Xoan đã đến quét dọn sân đình, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, tập luyện nhuần nhuyễn các tiết mục được lựa chọn trình diễn phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái chia sẻ với chúng tôi: Phường Xoan An Thái là một trong 4 phường Xoan gốc của tỉnh. Phường hiện có 107 thành viên với 5 thế hệ nối tiếp nhau, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất là 6 tuổi. Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và quảng bá về di sản văn hóa Hát Xoan, phường Xoan duy trì lịch sinh hoạt định kỳ vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, chia ca tập luyện với các đào Xoan, kép Xoan theo từng lứa tuổi. Để chuẩn bị chương trình “Hát Xoan làng cổ" trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, phường Xoan tổ chức tập luyện thường xuyên hơn để các tiết mục được biểu diễn không chỉ thành thục nhất mà còn đẹp mắt và hấp dẫn, để lại ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.

Em Bùi Như Quỳnh (10 tuổi) ở phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ: Từ nhỏ em đã được nghe bà hát Xoan, chính bởi vậy mà làn điệu Xoan đã ăn sâu vào trong tâm trí em. Cứ vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần em lại theo bà đi tập luyện hát Xoan, đến nay em đã thuộc lòng gần 31 bài Xoan gốc. Để biểu diễn Hát Xoan không chỉ cần hát đúng nhịp trống, nhịp phách mà còn phải kết hợp với lời hát, tay múa, chân đưa uyển chuyển phù hợp với từng làn điệu Xoan. Có như vậy mới lan tỏa được Hát Xoan đến với du khách thập phương.

Hòa cùng tiếng trống phách vang lên, các nghệ nhân, diễn viên của phường Xoan Kim Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì cũng đang chạy đua với thời gian để say sưa luyện tập. Trong trang phục quần áo trắng, đầu quấn khăn, eo thắt dây lụa đỏ, các kép dẫn dắt các đào di chuyển trong trang phục cổ, đầu chít khăn mỏ quạ, áo màu nâu kết hợp với váy dài đen đầy ấn tượng. Từng giọng hát trong trẻo vang lên theo điệu trống lúc nhẹ nhàng, trầm ấm khi dồn dập, thanh cao. Những cái uốn tay mềm dẻo, nhún chân nhẹ nhàng của các đào với ánh mắt giao duyên tình tứ được thể hiện trong từng điệu hát như mê hoặc người xem.

Cô Bùi Thị Kiều Nga, trùm phường Xoan Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì cho biết: Xã Kim Đức có ba trên tổng số bốn phường Xoan cổ là: Kim Đái, Phù Đức và Thét với gần 300 thành viên. Phục vụ du khách về Giỗ Tổ năm nay, phường Xoan sẽ biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc của Hát Xoan và đủ 3 chặng hát: Hát thờ (gồm: Mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám...); hát quả cách (gồm 14 quả cách: Đối dẫy cách, hò chèo cách, tràng mai cách, tứ dân cách...) và hát hội (gồm: Bợm gái, Xin huế đố chữ, Bỏ bộ, Mó cá...) nhằm giới thiệu, quảng bá, khẳng định giá trị của di sản Hát Xoan.

“Không chỉ tập luyện đầy đủ các bài Hát Xoan cổ, các đào Xoan, kép Xoan phải tập luyện nhuần nhuyễn cách sử dụng các đạo cụ cũng như thực hành các động tác trong bài Hát Xoan... Dù có những yêu cầu khá khắt khe để có được một tiết mục Hát Xoan hoàn hảo, hấp dẫn nhưng các nghệ nhân, diễn viên luôn hăng say luyện tập với niềm phấn khởi, tự hào để được giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về di sản Hát Xoan” - cô Bùi Thị Kiều Nga cho biết thêm.

Say sưa với từng quả cách hát Xoan, miệng hát, tay múa, chân đưa, cô Lê Thị Nhàn, phường Xoan Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì chia sẻ: Không ai còn nhớ phường Xoan Thét được hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng Xoan đã ăn sâu vào lòng người dân làng Thét từ tấm bé. Tự hào khi được sinh ra và lớn lên từ vùng đất Xoan cổ, chúng tôi luôn cố gắng luyện tập hết sức mình với mong muốn Hát Xoan được lan tỏa trong cộng đồng, trường tồn với thời gian, được nhiều thế hệ sau biết đến.

Có đến Kim Đức mới thấy người dân nơi đây yêu Hát Xoan đến chừng nào. Chiếc chiếu đơn sơ trải giữa đình, dụng cụ chỉ có chiếc trống nhỏ, tất cả chăm chú lấy hơi, nhả chữ,... Những lời ca ngân lên nghe quen thuộc mà vẫn cuốn hút lạ kỳ. Tất cả cùng nhau rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội, trùm phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì chia sẻ: Hát Xoan là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người dân xã Kim Đức. Chúng tôi đã lên kế hoạch tập luyện phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương từ nhiều tuần nay và duy trì 2 ca trực để phục vụ du khách. Với tôi, khi nào vẫn còn sức tôi vẫn sẽ biểu diễn Hát Xoan và tập trung truyền dạy cho lớp con cháu để bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông.

Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022, du khách thập phương sẽ có dịp được thưởng thức các làn Xoan cổ mượt mà, đằm thắm do chính các nghệ nhân và đào, kép trình diễn. Đây là chương trình nằm trong sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, đã trở thành sản phẩm đặc trưng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi về Đất Tổ.

Năm nay, chương trình tiếp tục được tổ chức tại các miếu, đình làng Xoan cổ thuộc các xã Kim Đức, Phượng Lâu, Hùng Lô, thành phố Việt Trì từ ngày 6 - 10/4/2022 (tức mùng 6 - 10/3 năm Nhâm Dần). Tại không gian cổ kính, linh thiêng của đình làng cổ kết hợp với điệu Xoan trầm bổng của các nghệ nhân đào, kép Xoan không chỉ toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm làm người xem không thể nào quên khi hành hương về bái Tổ.

Lệ Thủy - Vũ Tuân