Lễ hội truyền thống đình Hùng Lô - Lan tỏa những giá trị văn hóa vùng Đất Tổ

PhuthoPortal - Nằm bên dòng Lô giang thơ mộng, làng cổ Hùng Lô (thành phố Việt Trì) là mảnh đất hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các phong tục tập quán của cư dân Việt thuở xưa. Trong đó, lễ hội truyền thống đình Hùng Lô là một trong những di sản tiêu biểu, có vị trí quan trọng và sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây.

Làng Hùng Lô xưa có tên gọi là Khả Lãm Trang, sau đổi thành làng An Lão. Tương truyền rằng, vào một ngày trời đẹp Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần ngược triền sông Lô đi du ngoạn, săn bắn và thăm thú non sông. Đến vùng đất Hùng Lô, Vua thấy cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi lại có khí thiêng bèn dừng chân nghỉ lại. Các bô lão và thần dân thấy vậy liền sửa soạn lễ vật nghênh đón đức vua. Nhà vua rất mừng và khuyên bảo dân chúng khẩn hoang vỡ đất xây dựng xóm làng, quê hương. Từ đó về sau, dân làng Hùng Lô lập đình thờ để ngàn năm hương khói và cứ mùng 9 - 10/3 âm lịch hằng năm lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ơn vua.

Theo nghi thức truyền thống, lễ hội đình Hùng Lô gồm 7 nghi lễ chính là: Lễ mở cửa đình (dâng hương, lau chùi đồ thờ, quét dọn đình và xung quanh đình); Lễ mộc dục (lấy nước giếng của đình mang vào để dùng cho các công việc của đình); Lễ tế ra quan (khoác áo mũ cho bài vị của thần); Lễ rước thần (rước kiệu); Lễ nhập tịch (mời các vị Thánh Vương về ngự); Đại lễ (dâng lễ, đọc bài văn tế, nêu sự tích, công lao của các vị Thánh Vương); Lễ tạ (xin các thần cho hạ lễ và thu dọn đồ khí tự, kết thúc lễ hội).

Trong đó, lễ rước thần là một trong những nghi lễ long trọng nhất, có quy mô lớn nhất với hàng trăm người tham gia rước kiệu. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, từ Chánh, Phó lý cho đến dân thường và trai tráng trong làng đã đến tuổi thành niên đều phải “xắn tay” vào làm các công việc như dọn dẹp đường sá, sửa soạn lễ vật, lựa chọn ngôi chủ tế và người tham gia đoàn rước kiệu.

Thủ từ đình Hùng Lô Nguyễn Văn Tòng cho biết: Các lễ vật này được dân làng chuẩn bị từ nhiều tháng trước, trong đó cắt cử 3 giáp chuẩn bị lợn tế; phân công cho một số gia đình hiền đức, ăn chay nuôi và chăm sóc gà thờ rồi giao cho những người có uy tín, nhiều kinh nghiệm để mổ gà, luộc gà sao cho chín tới, gà vàng đẹp, không bị nứt. Gạo thổi xôi phải chọn gạo nếp trắng, thơm, dẻo; cử các cô gái chưa chồng chọn những hạt gãy, hạt xấu bỏ ra. Nước luộc gà, thổi xôi phải bơi thuyền ra giữa dòng sông Lô lấy đem về nấu.

Sau khi dâng lễ vật lên Vua, đoàn rước kiệu xuất phát từ đình Hùng Lô tới Đền Hùng dự lễ tế Tổ.

Hoàn thành lễ tế Tổ tại Đền Hùng, đoàn rước kiệu trở về làng trong tiếng trống, tiếng kèn rộn rã và tinh thần hồ hởi, phấn khởi của nhân dân. Sau đó, dân làng lễ tạ, làm lễ cất kiệu và kết thúc phần lễ.

Bước sang phần hội, đông đảo dân làng cùng tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Không khí vô cùng náo nhiệt, tiếng cười nói, tiếng reo hò cổ vũ rộn vang khắp làng.

Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, lễ hội truyền thống đình Hùng Lô luôn là biểu tượng của sức mạnh và tinh thần đoàn kết; được gìn giữ, lưu truyền và trở thành nhu cầu nội tại, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

“Việc tổ chức lễ hội truyền thống đình Hùng Lô hằng năm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước. Đồng thời, là sự khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản quý báu không chỉ của riêng vùng đất Việt Trì mà còn tạo nên một dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” trong không gian văn hóa mang đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương trên quê hương Đất Tổ. Với những ý nghĩa sâu sắc đó, năm 2022, lễ hội đã vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” - Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì nhấn mạnh.

Thanh Hòa - Thu Hương