Dân tộc, miền núi
Những “bông hoa đẹp” trên quê hương Đất Tổ
“Đan” giấc mơ sinh kế
Dựa vào nguồn tài nguyên mây, tre sẵn có trên địa bàn, bà Phùng Thị Tiếp sinh năm 1947 ở khu 10, xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Mành cọ mây tre đan với mục đích giữ gìn giá trị của sản phẩm thủ công truyền thống, tạo nên những sản phẩm mây tre đan độc đáo, thân thiện với thiên nhiên, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn.
Với diện tích 1.000m2, hằng năm HTX thu mua từ 100 đến 150 tấn nan khô từ các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang để sản xuất ra thành phẩm. Ngoài ra, bà Tiếp còn đầu tư mua máy dệt, máy vót nan, máy viền mành... để đưa chất lượng sản phẩm càng ngày càng bền đẹp hơn. Với giá bán bình quân mỗi sản phẩm từ 150.000 - 200.000 đồng, mỗi năm bình quân doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, HTX đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đào tạo nghề cho lao động địa phương và các vùng lân cận. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, hàng chục lao động là phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vẫn được bảo đảm việc làm, có thu nhập ổn định.
Bà Phùng Thị Tiếp cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục huy động nguồn vốn để thu mua nguyên liệu, tích cực tìm kiếm bạn hàng, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm mở rộng sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, bà Tiếp còn tích cực tham gia các hoạt động công tác Hội địa phương. Từ năm 2015 - 2017, gia đình bà đều được bình xét là hộ gia đình kinh doanh sản xuất giỏi. Bà Tiếp cũng đã vinh dự được nhận khen thưởng của các cấp, ngành như: Năm 2015 được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận danh hiệu cúp vàng “Hàng Việt Nam tin dùng”; Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen công nhận là điển hình kinh tế trong giai đoạn 2013 - 2018.
Tấm gương sáng trong công tác Hội
Nhanh nhẹn, hoạt bát là những ấn tượng của chúng tôi khi gặp và tiếp xúc với chị Ngô Thị Uyên, sinh năm 1975 - hội viên khu 3, Hội LHPN xã Hà Lộc (thị xã Phú Thọ).
Chia sẻ với chúng tôi, chị Uyên cho biết: Năm 2001, chị lập gia đình nhưng hoàn cảnh khó khăn nên chị đã tìm nguồn hàng để buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập từ việc buôn bán nhỏ lẽ cũng đã giúp cho chị đủ điều kiện trang trải kinh tế gia đình. Tuy nhiên, các con càng học cao lên thì chi phí ngày một tăng vì thế vợ chồng chị đã bàn với nhau kinh doanh thêm mặt hàng giò, chả và mở thêm xưởng mộc tại gia đình. Nhờ thức thời nên nguồn thu từ việc kinh doanh đã giúp gia đình chị có của ăn của để. Hiện nay, thu nhập hằng năm của gia đình chị đạt trên 400 triệu đồng.
Là Chi hội phó Hội phụ nữ khu 3, chị Uyên thường xuyên tuyên truyền vận động gia đình và người thân hội viên phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Bản thân gia đình chị cũng luôn gương mẫu trong việc dạy các con chăm ngoan học giỏi và phát triển kinh tế gia đình; nhiều năm đạt gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc.
“Niềm vui đơn giản của khi tôi là mỗi khi đi vận động tham gia các phong trào của địa phương phát động đều được mọi người trong khu dân cư nhiệt tình tham gia. Khi dịch COVID-19 xảy ra, từ lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương, các hội viên của Chi hội đã nghiêm chỉnh chấp hành các qui định từ phòng, chống dịch; đồng thời tích cực tham gia các phong trào ủng hộ công tác chống dịch” - chị Uyên chia sẻ.
Với những cố gắng nỗ lực, chị Uyên đã góp phần đưa Chi hội LHPN khu 3 nhiều năm liên tục đạt vững mạnh xuất sắc; bản thân chị được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 16 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2021.
“Ước mơ nhỏ bé của tôi là đưa tinh hoa văn hóa Mường tỏa sáng”
Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội LHPN xã Cự Đồng (huyện Thanh Sơn), chúng tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Tâm - hội viên Hội phụ nữ xuất sắc ở khu Quyết Tiến vào một ngày cuối thu để được tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá của dân tộc Mường mà bà Tâm đã dành cả cuộc đời để sưu tầm.
Trong không gian nhà sàn truyền thống của gia đình, trên 100 hiện vật gồm các loại gồm đồ đá, đồ đan lát, công cụ lao động sản xuất, trang phục truyền thồng và các sản phẩm văn hóa truyền thống... gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của người Mường từ xa xưa được bà Tâm bày xếp cẩn thận.
Bà Đinh Thị Tâm cho biết: Bản thân may mắn được sinh ra và lớn lên ở xứ Mường, nên những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường đã ngấm sâu trong tâm hồn tôi ngay từ thuở nhỏ do đó tôi vẫn luôn ấp ủ ước mơ có thời gian và sức khỏe để nghiên cứu, sưu tầm những di sản văn hóa của dân tộc mình, đưa tinh hoa văn hóa Mường tỏa sáng.
Mặc dù hiện nay đã trên 70 tuổi nhưng cứ có thông tin ở đâu có hiện vật của người Mường thì bà Tâm lại thu xếp thời gian, công việc để đi đến tận nơi mua hoặc xin để lại cho bằng được, kể cả những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang đến Hải Dương.
Để có nơi lưu giữ và quảng bá các di sản văn hóa dân tộc Mường tới đông đảo mọi người, ngoài việc tự nguyện hiến hơn 100m2 đất và số tiền trên 100 triệu đồng, bà Tâm còn vận động bà con trong khu ai có công góp công, ai có của góp của để xây dựng nhà lưu niệm. Tháng 8/2019, Nhà lưu niệm văn hóa truyền thống dân tộc Mường đã được xây dựng xong trong niềm vui của gia đình và bà con trong khu, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng chung của khu dân cư Quyết Tiến và cũng là nơi bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần hết sức có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn.
Không chỉ nhiệt huyết với việc bảo tồn, bà Tâm còn tích cực tuyên truyền để bà con trong khu cùng chung tay thực hiện tốt nếp sống văn hóa, khuyến khích những người có năng khiếu, am hiểu về văn hóa truyền thống của địa phương tham gia vào đội văn nghệ của khu. Vào những ngày lễ, tết và trong các sự kiện của khu, của xã bà đều cùng với người dân trong khu miệt mài luyện tập các điệu múa truyền thống của người Mường để trình diễn phục vụ nhân dân và gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Với những người dân ở khu Quyết Tiến, bà Tâm chính là một nghệ nhân, người lan tỏa tình yêu văn hóa Mường tới lớp lớp các thế hệ. Năm 2020, bà Đinh Thị Tâm vinh dự được Hội LHPN tỉnh khen thưởng.
Liên Linh - Vũ Tuân