Những cán bộ “hai vai” ở Thanh Sơn

PhuthoPortal - Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 49 ngày 22/5/2017 của của BTV Tỉnh ủy về sắp xếp, kiện toàn cán bộ tại các khu dân cư, thời gian qua huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn lựa chọn nhân sự có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bố trí làm bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025. Sau Đại hội, huyện Thanh Sơn có 237/263 khu dân cư có bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư. Họ chính là những cán bộ gánh “hai vai” vẫn nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm để xứng đáng với 2 chữ “đảng viên”khi được Đảng cử, dân bầu.

Nhà văn hóa khu dân cư Chiềng, xã Địch Quả được xây dựng hoàn toàn do đóng góp của nhân dân

Đảng bộ xã Địch Quả có 17 chi bộ nông thôn. Thực hiện Kết luận số 49, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác nhân sự, lựa chọn bố trí 6 đồng chí là bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư; 11 đồng chí là phó bí thư chi bộ kiêm trưởng khu, trong đó 5 khu có Bí thư, phó Bí thư kiêm trưởng khu là nữ. Đây là một trong những Đảng bộ tổ chức thành công Đại hội chi bộ đồng thời có số lượng bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư nhiều nhất của huyện Thanh Sơn.

Năm 2019, bà Hoàng Thị Thúy Nguyên ở khu Chiềng, xã Địch Quả được nhân dân trong khu tin tưởng, tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, bà đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu đóng góp sức người sức của để xây dựng nhà văn hóa với diện tích gần 160m2, trị giá gần 300 triệu đồng.

“Một vai mà gánh hai nhiệm vụ rất vất vả. Trong khu hễ có bất cứ việc gì không kể ngày hay đêm, người dân đều gọi trưởng khu. Nên có khi ăn dở bát cơm cũng phải buông đũa để đi giải quyết công việc cho bà con. Tôi cũng may mắn vì được chồng con, gia đình động viên ủng hộ, chia sẻ. Mình là người đứng đầu trong chi bộ, khu dân cư phải gương mẫu thì nói dân mới nghe, làm dân mới tin vì vậy bản thân tôi luôn tiên phong đi đầu, vận động gia đình, anh em, dòng họ đóng góp trước rồi mới vận động đến nhân dân” - bà Hoàng Thị Thúy Nguyên chia sẻ.

Cũng giống như bà Nguyên, bà Bùi Thị Thao - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Múc Trới, xã Địch Quả chia sẻ: Để vận động bà con nhân dân trong khu tham gia vào các hoạt động của khu trước hết người đứng đầu chi bộ, các đảng viên phải gương mẫu, nhiệt tình trách nhiệm. Bên cạnh đó, mọi công việc phải dân chủ, công khai, minh bạch. Khi dân được biết, được bàn, được kiểm tra và được giám sát thì coi như là thành công. Chính vì vậy, trong những năm qua, Chi bộ đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Những tuyến đường chính, các đường nhánh, đường xương cá của khu Múc Trới hiện nay đều được trải bê tông sạch sẽ.

Bà Bùi Thị Thao - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Múc Trới, xã Địch Quả (mặc áo đen) giới thiệu về tuyến đường bê tông mới do nhân dân đóng góp xây dựng

Đồng chí Trần Văn Tình - Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả chia sẻ: Mặc dù phụ cấp cho 2 chức danh kiêm nhiệm chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng họ đều tạm gác công việc của gia đình để giải quyết công việc của khu, xóm, cùng với địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua theo dõi chúng tôi thấy việc bí thư kiêm trưởng khu dân cư hoạt động đạt hiệu quả, thể hiện vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ đối với khu dân cư. Minh chứng rõ nét là trong năm qua các khu đã vận động nhân dân sửa chữa, làm mới nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn với trị giá gần tỷ đồng, góp phần quan trọng giúp địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Là Bí thư kiêm Trưởng khu dân cư Hắm, xã Khả Cửu - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, ông Hà Xuân Hải xác định vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới, đồng thời tuyên truyền vận động bà con đồng bào lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có là những nhiệm vụ thường xuyên của ông và các đảng viên trong chi bộ.

Với trên 90% là đồng bào Mường, nghề truyền thống của bà con khu Hắm chủ yếu làm nông nghiệp và đồi rừng nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, ông đã tuyên truyền cho bà con nhân dân phát triển du lịch, tận dụng những lợi thế, đặc sản của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Đây cũng là một cách làm kinh tế để giúp bà con có nguồn thu nhập. Khu đã khôi phục và bảo tồn các sản phẩm, công cụ truyền thống trong sản xuất và đời sống của đồng bào như: Cọn nước, nơm, ớp. Các giá trị văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán của đồng bào cũng được bà con phát huy để thu hút khách du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Cùng với đó, chúng tôi cũng vận động bà con phát triển chăn nuôi các giống đặc sản của địa phương như gà đồi, lợn sạch cho khách du lịch tham quan. Từ ngày có du lịch cộng đồng, mỗi tháng đều có các đoàn đến tham quan nhờ đó mà người dân có thêm thu nhập, đời sống cũng vì thế mà được cải thiện đáng kể, số hộ nghèo của khu đã giảm theo từng năm.

Vượt lên những khó khăn vất vả còn hiện hữu, những cán bộ “hai vai” như bà Nguyên, bà Thao, ông Hải với sự nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm đã và đang là những cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền ở cơ sở để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Hà Trang