Những trang sách quý về lịch sử địa phương

PhuthoPortal - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Khắc ghi lời dạy của Người, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử; phát huy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần cách mạng và củng cố niềm tin vào Đảng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa đó, cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, tập III (2000 - 2020) được biên soạn và phát hành.

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, tháng 4/2019, BTV Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định triển khai nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, tập III (2000 - 2020)”, trong đó giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện. Sau gần 3 năm triển khai, đến tháng 10/2021 cuốn sách được chính thức phát hành trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

“Đây là một công trình khoa học được nghiên cứu công phu, chất lượng, đảm bảo tính Đảng, chính xác, khách quan, được tỉnh Phú Thọ phát hành nhân kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh (8/9/1891 - 8/9/2021). Đồng thời là nguồn tài liệu quý, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, quan tâm nghiên cứu của độc giả trong và ngoài tỉnh về lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn mới. Từ đó giúp mỗi người hiểu sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng và những cống hiến, đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên đi trước trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước” - ông Vi Mạnh Hùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định.

Để hiểu hơn về quá trình biên tập, xuất bản cũng như nội dung đặc biệt của cuốn sách, chúng tôi tìm gặp Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, người trực tiếp “chắp bút” cho nhiều trang sách về lịch sử địa phương. Ông Khôi cho biết: Trong gần 3 năm (2019 - 2021), các thành viên Ban Biên tập và biên soạn cuốn sách đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, thẩm định tài liệu, từ đó tổng hợp và biên tập nội dung - đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuốn sách. Trong quá trình biên tập, chúng tôi đã tiếp thu, chỉnh sửa bản thảo nhiều lần theo ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các nhà khoa học. Đặc biệt, bản thảo cuốn sách được Hội đồng thẩm định của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao và cho phép xuất bản.

Với dung lượng 504 trang, nội dung cuốn sách là sự kế thừa và tiếp nối 2 cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ tập I và tập II. Cuốn sách đã tổng kết vấn đề lịch sử nói về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2000 - 2020 và nêu bật những thành tựu to lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh Phú Thọ. Từ đó giúp cấp ủy, chính quyền các cấp rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tiếp theo.

“Điểm đặc biệt của cuốn sách là có 250 ảnh hoạt động tiêu biểu trên các lĩnh vực, minh họa sinh động cho những kết quả nổi bật mà Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử 20 năm qua. Ngoài ra, phần Phụ lục gồm danh sách các đồng chí BCH Đảng bộ tỉnh các khóa XV, XVI, XVII, XVIII, XIX và ảnh chân dung của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy từ năm 2000 đến nay” - ông Khôi cho biết thêm.

Hiện nay, Phú Thọ đã hoàn thành việc biên soạn 3 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh từ thời kỳ thành lập Đảng bộ năm 1939 đến năm 2020. Hầu hết các huyện, thành, thị, sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã biên soạn được sách lịch sử Đảng bộ cấp huyện, sách lịch sử hoặc sách truyền thống ngành; một số huyện, thành, thị đang thực hiện tái bản và bổ sung nội dung sách. Khoảng 90% xã, phường, thị trấn biên soạn được sách lịch sử Đảng bộ cấp xã.

Để sử dụng cuốn sách một cách hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về nội dung, ý nghĩa của cuốn sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, địa phương, đơn vị. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện và hệ thống giáo dục quốc dân trong tỉnh nghiên cứu, bổ sung những nội dung cơ bản của cuốn sách vào chương trình giảng dạy.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Ngay sau khi cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, tập III (2000 - 2020)” được phát hành, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng phổ biến những nội dung chính của cuốn sách đến toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường; đồng thời đề nghị các giảng viên khoa Lịch sử Đảng nghiên cứu, cập nhật nội dung cuốn sách vào chương trình giảng dạy của phần thực tiễn kinh nghiệm phát triển tỉnh Phú Thọ. Đây là nguồn học liệu quan trọng phục vụ công tác đào tạo cán bộ của tỉnh, giúp cho cán bộ, đảng viên và học viên nắm rõ được các quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong các nhiệm kỳ. Từ đó vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Để cuốn sách đến gần hơn với độc giả, nhất là thế hệ trẻ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện việc số hóa cuốn sách. Tin rằng những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được đúc kết trong từng trang sách sẽ thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân; trở thành tài sản quý giá, nền tảng tinh thần vững chắc để Phú Thọ tiến bước trên chặng đường mới.

Thanh Hòa