Nguồn nhân lực

PhuthoPortal - Phú Thọ có nguồn nhân lực tương đối dồi dào và một thị trường lao động đang phát triển. Trong những năm qua, tỉnh luôn coi phát triển nhân lực là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực là một trong 4 khâu đột phá chiến lược tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Với dân số trên địa bàn tỉnh 1.435 nghìn người, trong đó: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 833,7 nghìn người (chiếm 58,1%). Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 817,6 nghìn người (chiếm 57% dân số); lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng khoảng 1,2 - 1,4%/năm.

Hiện tại, Phú Thọ đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định. Nguồn nhân lực có độ tuổi từ 20 - 44 chiếm 66,5% trong các nhóm tuổi tham gia lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70%; năng suất lao động bằng 76% mức trung bình của cả nước, đứng thứ 4 trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Cán bộ công chức, viên chức Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh

Nhân lực trong hệ thống chính trị: Tổng số công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện ước khoảng 33.000 người, chiếm trên 4% lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Trong đó, trình độ trên đại học chiếm gần 6%; trình độ đại học chiếm trên 56%; trình độ cao đẳng trên 15% và trình độ sơ cấp trên 22%.

Nhân lực trong doanh nghiệp: Số lao động trong khối doanh nghiệp trên 147.800 lao động. Trong đó: Lao động có trình độ đại học 11,2%; cao đẳng 12,6%; trung cấp 15,2%; sơ cấp 10,6%; dạy nghề dưới 3 tháng 24,4%.

Lao động Công ty TNHH Alim Global (KCN và làng nghề Hoàng Xá, Thanh Thuỷ)

Nhân lực trong khu vực nông thôn: Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh rất dồi dào và có nhiều tiềm năng.

Lao động Hợp tác xã Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông

Chất lượng nguồn nhân lực phát triển tương đối đồng bộ trên cả 3 yếu tố cơ bản là thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức lối sống. Chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành, các thành phần kinh tế được nâng lên, tạo ra năng suất, hiệu quả cao hơn trong công việc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững.

BBT