Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Thanh Thủy: Khi lòng dân đồng thuận
Lãnh đạo xã Trung Nghĩa phổ biến Hướng dẫn số 17 của Tỉnh ủy về thành lập tổ chức đảng và bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã
Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/UBTVQH13, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã không thuộc miền núi, vùng cao phải có quy mô dân số trên 8.000 người và diện tích từ 30km2 trở lên. Đối chiếu theo tiêu chí trên, Thanh Thủy sẽ thực hiện sắp xếp 3 xã gồm Tu Vũ, Yến Mao, Phượng Mao thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là xã Tu Vũ; trụ sở làm việc đặt tại xã Yến Mao. Sắp xếp 3 xã Trung Thịnh, Trung Nghĩa, Đồng Luận thành xã Đồng Trung; trụ sở làm việc đặt tại xã Đồng Luận.
Đến xã Trung Nghĩa những ngày này, câu chuyện 3 xã sắp thành “một nhà” trở thành chủ đề rôm rả của bà con, ai cũng hào hứng, vui vẻ chờ ngày công bố quyết định tên xã mới. Sau khi sắp xếp, xã Đồng Trung có diện tích là 16,571km2, với dân số là 10.881 người.
Bà Hà Thị Thảo - Người dân khu 2, xã Trung Nghĩa chia sẻ: Người dân chúng tôi đã nắm rõ chủ trương sáp nhập xã qua các cuộc họp, qua chương trình thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã nên đều đồng tình với chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra.
Ông Hà Ngọc Viên - Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết: Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã tổ chức họp từng khu dân cư, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh. Nhân dân trong xã nắm bắt rõ các chủ trương của trung ương, của tỉnh, huyện và xã nên đồng thuận, tỷ lệ đồng thuận đạt 99,7%. Hiện nay, các bước thực hiện sắp xếp đã cơ bản hoàn tất.
Lãnh đạo xã Trung Nghĩa (người đứng giữa) tuyên truyền tới bà con nhân dân về chủ trương sáp nhập xã
Thực hiện sự chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Thanh Thủy đã tiến hành các bước rà soát, xây dựng kế hoạch, đề án và lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp. Khi bắt tay vào triển khai mặc dù đã tổ chức tuyên truyền đến từng hộ nhưng một số người dân vẫn có tâm ý e ngại về phong tục, tập quán bị xáo trộn; các thủ tục giấy tờ tùy thân phức tạp, rườm rà; đặt tên xã mới sáp nhập như thế nào… Nắm bắt được những vướng mắc trên, huyện Thanh Thủy cũng như các xã thuộc diện sắp xếp bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc sáp nhập xã thì đã kịp thời giải quyết các chế độ chính sách và các thủ tục giầy tờ cần thiết của người dân trước khi sáp nhập, từ đó đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân đối với phương án sắp xếp.
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, sau khi sắp xếp, Thanh Thủy sẽ giảm 4 đơn vị xuống còn 11 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 10 xã). Việc sáp nhập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển. Do vậy, việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, công chức để tham mưu thực hiện việc điều chuyển và giải quyết chế độ theo quy định là rất quan trọng.
Thời gian thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính diễn ra trong thời gian ngắn. Việc bố trí số lượng cán bộ, công chức đảm nhận những vị trí, công việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành và việc bố trí số lượng cấp xã dôi dư sau sắp xếp là không nhỏ. Để làm tốt điều này, huyện Thanh Thủy đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh xây dựng các phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; xây dựng phương án, lộ trình giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Trong đó, huyện tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ công chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp; rà soát cán bộ, công chức xã đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi; điều động cán bộ đến các đơn vị hành chính cấp xã khác còn thiếu.
Ông Bùi Hồng Dân (người mặc áo nâu) xã Phượng Mao cùng các cán bộ xã nghiên cứu văn bản hướng dẫn sáp nhập đơn vị hành chính
Theo ông Nguyễn Bá Bào - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Thủy cho biết: Xác định mấu chốt trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận. Chính vì vậy, phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ; tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập; hướng dẫn cụ thể các địa phương về nghiệp vụ tổ chức lấy ý kiến cử tri và thành lập các tổ lấy ý kiến cử tri theo từng khu dân cư. Huyện cũng thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc tham gia lấy ý kiến đóng góp, đồng thời giám sát việc lấy ý kiến đảm bảo công khai, dân chủ, đúng luật định.
Ông Bùi Hồng Dân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phượng Mao cho biết: Phượng Mao là xã thuộc diện sắp xếp. Tôi hiện đang là Chủ tịch Hội Nông dân xã, tuy nhiên sau khi sắp xếp nếu tổ chức phân công, điều động làm nhiệm vụ gì thì tôi cũng sẽ cố gắng, phấn đấu để xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Đồng thuận với chủ trương của tỉnh, huyện, ông Nguyễn Tiến Lộc - Cán bộ Văn phòng một cửa xã Trung Nghĩa cho biết: Hiện tôi đã 57 tuổi và có 25 năm công tác. Theo chủ trương của tỉnh, cán bộ từ 55 tuổi sẽ đủ tuổi nghỉ hưu, do vậy tôi sẽ nghiên cứu kỹ chính sách của tỉnh để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ nghỉ công tác theo quy định.
Đối với việc bố trí sắp xếp lại các vị trí việc làm sau sắp xếp là đặc biệt quan trọng vì liên quan đến con người nên quan điểm của huyện là phải làm thận trọng, từng bước một và phải có lộ trình, kế hoạch, phương án cụ thể. Làm sao mà sau khi sáp nhập phải tạo được động lực mới cho đội ngũ cán bộ; sau sắp xếp, các đơn vị hành chính cũng có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - Ông Nguyễn Bá Bào cho biết thêm.
Liên Linh