Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW
Sáp nhập các trường đào tạo nghề: Tinh gọn bộ máy, nâng chất lượng đào tạo
Giờ thực hành nấu ăn của học sinh Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành hiện có 7 ngành nghề đào tạo cao đẳng, 8 nghề đào tạo hệ trung cấp và 3 ngành nghề đào tạo hệ sơ cấp với 67 cán bộ, giáo viên. Những năm qua, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhà trường đã được tỉnh quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm (1 Tiến sĩ, 37 Thạc sĩ, 26 Cử nhân...) đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thầy giáo Mầu Văn Vượng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành cho biết: Tổng số học sinh, sinh viên học dài hạn tập trung tại trường hiện chỉ đạt hơn 400 người. Số lượng học sinh, sinh viên đăng ký vào trường hạn chế nên dẫn đến tình trạng thừa giáo viên, lãng phí cơ sở vật chất.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh quản lý bao gồm: Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch, Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp, 13 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc các huyện, thành, thị và 1 cơ sở đào tạo nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên là gần 700 (trong đó biên chế là 619 người, hợp đồng 1 năm trở lên là 43 người), có trình độ đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề. Ngành nghề đào tạo đa dạng ở cả 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trong đó trình độ cao đẳng là 24 ngành, nghề; trung cấp là 35 ngành, nghề; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 69 ngành, nghề. Quy mô đào tạo khoảng 22.000 người/năm.
Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề, trình độ, chất lượng đào tạo GDNN trên địa bàn tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đơn cử như Trường Cao đẳng Nghề và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành cùng đóng trên địa bàn thành phố Việt Trì và có 7 ngành nghề đạo tạo trùng lặp nhau. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất giữa các cơ sở GDNN không đồng đều; chưa khai thác sử dụng hết các điều kiện cơ sở vật chất hiện có. Công tác tuyển sinh đào tạo GDNN gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở GDNN còn bất cập về cơ cấu đội ngũ nhà giáo như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành hiện nay thừa khoảng 40 giảng viên dạy chuyên ngành Kế toán, Luật nhưng lại thiếu giáo viên các nghề khác…
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành hiện nay thừa khoảng 40 giảng viên dạy chuyên ngành Kế toán, Luật nhưng lại thiếu giáo viên các nghề khác
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp, sáp nhập các cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực của tỉnh trong từng thời kỳ.
Ông Bùi Đức Nhẫn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế cho thấy công tác đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN còn nhiều bất cập, vì vậy việc sắp xếp, sáp nhập một số trường đào tạo nghề là điều tất yếu để nâng cao chất lượng GDNN. Đặc biệt là đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, ngành nghề và trình độ đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sau sáp nhập, trụ sở chính của Trường Cao đẳng Nghề sẽ được đặt tại Trường Cao đẳng Nghề hiện nay và một phần thuộc Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp. Số lượng cán bộ, giáo viên của của trường được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, tính chất, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp theo phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh và quy định pháp luật. Sau khi sắp xếp, rà soát vị trí việc làm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư do trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, năng lực hạn chế, không bố trí được việc làm, nhà trường xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu thực tế hoặc tinh giản biên chế theo quy định. Học sinh, sinh viên đang theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành Phú Thọ và Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Phú Thọ chuyển về Trường Cao đẳng Nghề và tiếp tục học theo đúng chương trình đang học theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Việc sáp nhập các trường nghề là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, không chỉ giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy mà còn khắc phục được những hạn chế hiện nay. Chất lượng GDNN được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đào tạo gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; đồng thời giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Huyền Trang