Tin tức
Bứt phá trong cải cách hành chính nhìn từ chỉ số PAR INDEX
Người dân sử dụng mã QR để thanh toán phí giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Cải cách liên tục, lâu dài
Năm 2020 có thể coi là năm thành công của Phú Thọ trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cải cách hành chính khi tăng bậc ở cả 4 chỉ số: PAR INDEX; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Trong đó chỉ số PAR INDEX đã liên tục tăng trong 3 năm gần đây với các chỉ số cao điểm là: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quản lý pháp luật tại tỉnh; Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; Hiện đại hóa hành chính; Cải cách tài chính công…
Đây là kết quả của cả một chặng đường dài với nhiều cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh Phú Thọ. Cải cách hành chính được Phú Thọ xác định là một trong bốn khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2015 - 2020 và tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn lại đầu năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 1/13 UBND huyện, thành, thị và 2/277 UBND xã, phường, thị trấn có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, bộ máy hành chính các cấp còn cồng kềnh, chưa tinh gọn; hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức; trang thiết bị làm việc cho cán bộ cũng như phục vụ người dân đến làm việc còn hạn chế. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cũng chưa đầy đủ theo quy định.
Gỡ “nút thắt” này, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện hằng năm để làm căn cứ xếp loại chất lượng hoạt động thông qua việc định lượng bằng điểm số. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đều xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ, 10 mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước.
Cán bộ huyện Thanh Ba theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh
Từ năm 2017, Phú Thọ bắt tay vào triển khai xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Với mô hình đột phá này, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian thực hiện; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99%; cung cấp các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đạt 86,65% tổng số thủ tục hành chính ở cấp tỉnh và 38,41% ở cấp huyện. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoạt động hiệu quả tại địa chỉ http://dichvucong.phutho.gov.vn. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang thí điểm giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
Tỉnh đã thực hiện liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh. Hệ thống phần mềm một cửa liên thông hoạt động hiệu quả giúp theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống quản lý văn bản điều hành, chữ ký số, thư công vụ, hội nghị trực tuyến. Khai thác hiệu quả các kênh thông tin khác nhau như mạng xã hội (Facebook, Zalo), thư điện tử, nhằm tương tác với người dân và doanh nghiệp. Qua đó, đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Từ hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn. “Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao sự đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc của tỉnh Phú Thọ với quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, tốt nhất” - Ông Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khẳng định.
Tiếp tục nỗ lực để duy trì kết quả
Nhìn vào điểm chỉ số PAR INDEX những năm gần đây cho thấy Phú Thọ cần tiếp tục cải thiện, duy trì sự ổn định ở các chỉ số Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Xác định đổi mới, cải cách là việc làm lâu dài và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, Phú Thọ đã thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại, hạn chế chưa đạt được trong công tác cải cách hành chính và đề ra giải pháp hạn chế sự thiếu ổn định, năm cao, năm thấp trên bảng xếp hạng PAR INDEX.
Hệ thống hội nghị trực tuyến phát huy hiệu quả tại các xã vùng sâu, vùng xa (Ảnh tại xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn)
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể hằng năm để đẩy mạnh cải cách. Trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan đơn vị. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và nâng cao các nội dung, tiêu chí thành phần chỉ số PAR INDEX đã đạt điểm từ nhóm B trở lên, tương ứng 80 - 90%. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm các sáng kiến, mô hình cải cách mới và các giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị. Nhân rộng việc áp dụng các sáng kiến, mô hình, giải pháp thiết thực, có hiệu quả cao. Nâng cao chất lượng xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành và các lĩnh vực được phân cấp; kịp thời khắc phục những kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát trên tất cả các lĩnh vực. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong hoạt động công vụ. Gắn công tác thi đua khen thưởng, đánh giá xếp loại công chức, viên chức với thực hiện cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi có sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả xếp hạng PAR INDEX năm 2020 của tỉnh tiếp tục mang đến bức tranh toàn diện về chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh và là hiện thực sinh động thể hiện nỗ lực không ngừng của Phú Thọ trong hành trình cải cách, đổi mới. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Phú Thọ đang nỗ lực vận dụng sáng tạo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “biến nguy thành cơ”, quyết liệt thay đổi cách thức làm việc để thích ứng trong tình hình mới.
Khánh Trang