Tin tức
Phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn
Thành viên HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường
Hiệu quả bước đầu
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay bình quân mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng gần 15.000ha rau xanh các loại, cung cấp cho thị trường trên 400.000 tấn/năm. Toàn tỉnh cũng có trên 1.300 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp. Tổng đàn trâu, bò đạt gần 170 nghìn con; tổng đàn lợn đạt trên 689 nghìn con, tổng đàn gia cầm đạt trên 16,1 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 189,2 nghìn tấn và hàng triệu quả trứng gia cầm các loại. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 hợp tác xã (HTX), 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn đã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với hơn 40 doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở vững chắc để góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
HTX chè Long Cốc ở xã Long Cốc (huyện Tân Sơn) liên kết với 20 hộ trồng chè an toàn với diện tích 37,4ha (trong đó trồng mới 5ha theo chương trình dự án của Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ). Trung bình 1ha sản xuất theo quy trình an toàn, HTX thu nhập khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống. Từ năm 2020 đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là chè Xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Đinh Bát Tiên. Hiện nay, sản phẩm của HTX được bán tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Sản phẩm của HTX chè Long Cốc (huyện Tân Sơn) được người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh ưa chuộng
Bà Phạm Thị Hạnh - Giám đốc HTX chè Long Cốc cho biết: Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc. Do kiểm soát được từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến nên công suất luôn đạt từ 50 tấn chè búp tươi/năm trở lên, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Theo bà Hạnh, để các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng hiện nay thì việc sản xuất theo hướng liên kết an toàn yếu tố quan trọng hàng đầu, đồng thời chất lượng sản phẩm luôn phải được đảm bảo, số lượng ổn định và cần phải quan tâm tới thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 78 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong đó, cấp tỉnh triển khai 35 chuỗi, cấp huyện triển khai 15 chuỗi, cơ sở tự triển khai 28 chuỗi. Để các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn hoạt động hiệu quả, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Thực hiện các hoạt động xúc tiến tổng hợp tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức phong phú như: Giới thiệu sản phẩm qua các kênh hội chợ trong và ngoài nước; đăng thông tin trên báo đầu tư. Đến nay, nhiều nông sản thực phẩm của tỉnh được các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến với người tiêu dùng.
Đẩy mạnh liên kết chuỗi để phát triển bền vững
Là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, hiện nay nhiều địa phương đã hình thành các sản phẩm có tính hàng hóa cao được cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, RAT, GMP, HACCP, ISO... như bưởi đặc sản Đoan Hùng; chè sản xuất theo quy trình an toàn tại Thanh Sơn; mỳ gạo Hùng Lô; các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá lồng, rau an toàn tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Thanh Ba, Hạ Hòa, các huyện Tam Nông, Thanh Thủy...
Sản phẩm của HTX Thịt chua Thanh Sơn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCCOP cấp tỉnh năm 2020
Xác định phát triển chuỗi nông sản an toàn để kiểm soát chất lượng và liên kết phân phối sản phẩm là con đường tất yếu để đi lên sản xuất lớn. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần hỗ trợ cơ sở sơ chế, chế biến xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá để mọi người hiểu về lợi ích việc tham gia chuỗi thực phẩm an toàn; tổ chức các hội nghị kết nối các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nhằm hình thành ngày càng nhiều các liên kết chuỗi,…
HTX Mì gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì) hiện có 2 dòng sản phẩm bày bán trong hệ thống Siêu thị Coopmart
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền để các đơn vị hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa, tạo liên kết hiệu quả, chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Đồng thời, Chi cục tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra nhanh, tự giám sát một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị sản xuất thiết kế, ứng dụng bao bì, tem nhãn bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, bảo vệ uy tín cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng kế hoạch, triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tuân thủ các điều kiện sản xuất và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở tham gia chuỗi.
“Cùng với đó, Chi cục sẽ thường xuyên kiểm tra định kỳ, đánh giá xếp loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiến hành xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; kiểm soát 100% sản phẩm chuỗi trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết.
Liên Linh