Thứ bảy, 30/09/2023 19:07 Thứ bảy, 30/09/2023

Phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em trong dịp hè

PhuthoPortal - Mùa hè là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao. Tuy nhiên, việc thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, thiếu điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, nhất là việc trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Xác định rõ điều này, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ trong dịp hè.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho học sinh Trường THCS Vân Du

Cuối tháng 3/2023, một bé trai 13 tuổi tại xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba tử vong do bị ngã xuống sông và bị nước cuốn trôi khi đang đi nhặt chai nhựa tại bãi bồi sông Hồng. Cuối tháng 4/2023, 2 học sinh lớp 5 và lớp 8 trú tại khu Quang Trung 2, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê rủ nhau ra bờ sông Hồng tắm nhưng không may bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong thương tâm.

Đây là 2 trong số nhiều vụ đuối nước liên quan đến trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong dịp hè những năm gần đây. Nhiều vụ đuối nước tương tự cũng liên tiếp xảy ra tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, cướp đi nhiều sinh mạng của trẻ em và để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình và toàn xã hội. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước; tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao. Đuối nước cũng là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5 - 14 tuổi.

Trước thực trạng này, để tăng cường phòng tránh đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước cho trẻ em thông qua việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các buổi ngoại khóa, lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, cuộc thi, giao lưu… thu hút sự quan tâm hưởng ứng của các nhà trường, gia đình, học sinh trên địa bàn và cộng đồng xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn tuyên truyền kiến thức phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em phường Nông Trang, thành phố Việt Trì

Huyện Đoan Hùng là địa phương có 2 con sông chảy qua 15 xã với 68km bờ sông cùng với nhiều hồ đập lớn nước sâu. Trong những ngày nắng nóng, trẻ em thường tìm đến những khu vực này để tắm, bơi lội, nguy cơ bị đuối nước rất cao.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng cho biết: Để phòng tránh đuối nước cho trẻ em trên địa bàn dịp hè hằng năm, Hội Chữ thập đỏ huyện thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan và các nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa truyền thông về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho học sinh trên địa bàn. Tại các buổi ngoại khóa, học sinh được thông tin về một số vụ tai nạn đuối nước; được cảnh báo những nguyên nhân và nguy cơ xảy ra đuối nước khi tắm tại các ao, hồ, sông suối…; đồng thời được hướng dẫn các biện pháp phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và cách xử lý khi gặp trường hợp đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích.

Lớp dạy bơi cho trẻ em tại Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ

Không chỉ đẩy mạnh truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em, các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, đơn vị, tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em trong trường học và tại các bể bơi trên địa bàn trong kỳ nghỉ hè.

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì là một trong những cơ sở giáo dục đi đầu của tỉnh trong hoạt động dạy bơi cho học sinh với trên 70% học sinh của trường đã biết bơi. Cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn tạo điều kiện để các em học sinh được tham gia các lớp học bơi do đội ngũ giáo viên thể dục của trường giảng dạy. Trung bình mỗi năm, nhà trường có khoảng 300 học sinh đăng ký học bơi trong dịp hè. Thông qua các lớp học bơi, các em được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là có kỹ thuật bơi cơ bản và kỹ năng phòng chống đuối nước.

Cùng với đó, các địa phương và ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Đồng thời, lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm để khuyến cáo các em học sinh không tự ý tổ chức các hoạt động hoặc vui chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông suối, hố công trình, những nơi có biển báo nguy hiểm… khi không có sự giám sát quản lý của các tổ chức và người lớn. Qua đó góp phần đảm bảo mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Có thể thấy, việc tăng cường tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ tai nạn đuối nước đã và đang được tỉnh triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại sẽ không cao nếu thiếu sự chung tay từ gia đình. Theo đó, bản thân cha mẹ, người giám sát trẻ cần loại bỏ tâm lý chủ quan, phải xác định được những yếu tố nguy cơ ở môi trường sống có khả năng gây đuối nước cho trẻ; phải luôn dạy trẻ về nguyên nhân, những nguy cơ đuối nước và giúp trẻ nhận thức rõ để không chơi hoặc đến gần các nguồn nước mở, trừ khi được người lớn giám sát… Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp và có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, tình trạng đuối nước ở trẻ em sẽ được hạn chế, đẩy lùi, góp phần giải tỏa lo lắng, bất an trong mỗi dịp hè.

Thanh Hòa