Tin tức
Phú Thọ: Bứt phá trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Người dân tạo lập tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Quyết liệt, bài bản và chủ động
Triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là nhiệm vụ mới và khó, khó không chỉ với người dân mà cả với đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp xã. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song trong quá trình thực hiện DVCTT vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là do trình độ, nhận thức, khả năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, thói quen đến tận nơi để giải quyết TTHC của đại bộ phận người dân vẫn là một vấn đề không phải có thể thay đổi trong “một sớm một chiều”.
Xác định rõ những “rào cản” khiến tỷ lệ DVCTT những năm qua còn đạt thấp, đem tiện ích của DVCTT đến với đông đảo người dân, Phú Thọ đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỉ lệ giải quyết DVCTT, nhất là tại cấp xã với quan điểm “thực chất, hiệu quả, làm đến đâu chắc đến đó”. Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lên kế hoạch cụ thể từng phần việc, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; đặc biệt là tăng cường công tác chỉ đạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện.
Sở Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán phí, lệ phí đối với 100% TTHC có phát sinh hồ sơ và phí, lệ phí trên Cổng DVCTT của tỉnh; đồng thời xây dựng, cập nhật quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC trên Cổng DVCTT của tỉnh và đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình trực tuyến phổ cập kỹ năng số cộng đồng cho các thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh
Để tạo điều kiện cho người dân gửi nộp hồ sơ TTHC trực tuyến, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, xã đã nỗ lực thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, triển khai lắp đặt hệ thống QR-Code cho phép thanh toán tại quầy; thành lập các bộ phận thường xuyên giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Công an tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.356 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên, bao phủ 225/225 xã, phường, thị trấn, 2.328/2.328 thôn, bản, khu dân cư. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn sử dụng DVCTT, tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến, từ đó thay đổi nhận thức, hình thành nên thói quen của người dân trong sử dụng DVCTT.
Bằng việc đa dạng các phương thức tuyên truyền, vận động, Phú Thọ đã từng bước đưa DVCTT đến gần hơn với người dân. Hệ thống DVCTT của tỉnh hiện cung cấp 1.499 DVCTT, đạt 75,8%; thực hiện kết nối liên thông 837 TTHC của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tăng 265 TTHC so với cùng kỳ năm 2021. Hệ thống tiếp nhận và giải quyết 492.830 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến là 287.571 hồ sơ, đạt 58,35% (tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2021).
Tính đến ngày 15/12/2022, hệ thống DVCTT của tỉnh hiện cung cấp 1.499 DVCTT, đạt 75,8%; thực hiện kết nối liên thông 837 TTHC của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tăng 265 TTHC so với cùng kỳ năm 2021. Hệ thống tiếp nhận và giải quyết 492.830 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến là 287.571 hồ sơ, đạt 58,35% (tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2021).
Linh hoạt, đổi mới cách làm
Là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh nhưng đến thời điểm này, DVCTT đã được triển khai hiệu quả từ cấp huyện đến cấp xã trên địa bàn huyện Tân Sơn. Năm 2022, tổng số hồ sơ TTHC cấp huyện tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 6.911/6.950 hồ sơ, đạt 99,03%; tổng số hồ sơ TTHC cấp xã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 8.455/16.492 hồ sơ, đạt tỷ lệ 51,2%.
Cán bộ UBND huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân tra cứu danh mục DVCTT
Chia sẻ với chúng tôi về cách làm, đồng chí Nguyễn Xuân Toản - Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”, huyện yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND huyện phải gương mẫu, đi đầu; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, đồng thời thành lập Tổ công tác để tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, liên tục đôn đốc các phần việc, nhiệm vụ cụ thể; hướng dẫn tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp về cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nộp và nhận hồ sơ TTHC.
Ông Hà Phú Soái - Chủ tịch UBND xã Vinh Tiền cho biết: Vinh Tiền là xã vùng cao của huyện Tân Sơn gồm 7 khu hành chính, trong đó có 4 khu đặc biệt khó khăn; đồng bào dân tộc Dao, Mường chiếm 76% dân số toàn xã. Bà con trong xã hầu hết đều không biết sử dụng máy tính, không hiểu về DVCTT. Thời gian đầu, xã đã hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin hồ sơ qua giấy, sau đó để người dân tự nhập thông tin lên hệ thống; cử cán bộ hỗ trợ người dân quét các giấy tờ liên quan; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thể thao tác tương tự trên điện thoại thông minh. Nhiều cán bộ đã sử dụng máy tính cá nhân để tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân trong xã tiếp cận với DVCTT.
Tại xã Tề Lễ, một trong những xã thuần nông của huyện Tam Nông, khi mới bắt tay vào triển khai DVCTT, nhiều cán bộ còn băn khoăn, e ngại. Do đó, xã quyết liệt chỉ đạo cán bộ tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau, “người biết nhiều hướng dẫn người chưa biết” để sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm; đồng thời cử 7 cán bộ công chức chuyên trách bộ phận “Một cửa” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân giải quyết TTHC trên môi trường mạng.
Chị Đào Thị Kim Liên đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC làm thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến tại xã chia sẻ: Tôi biết thao tác nộp hồ sơ trực tuyến là nhờ được thực hành thường xuyên mỗi khi đến giao dịch tại UBND xã. Nếu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều người có thể nộp hồ sơ trực tuyến như tôi bởi thao tác không khó, lại thuận lợi nhiều mặt.
Sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở với bước đi chủ động, bài bản, sáng tạo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện DVCTT, nhất là ở cấp xã. Để thúc đẩy triển khai DVCTT trong những năm tới, Phú Thọ đang tiếp tục phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng cho người dân; đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân các kỹ năng khi có nhu cầu sử dụng DVCTT, thanh toán điện tử, giúp người dân bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC của tỉnh đạt trên 80%; trong đó, cấp huyện đạt trên 80%, cấp xã đạt trên 75%.
Lệ Thủy