Phường Xoan Kim Đái

PhuthoPortal - Kim Đái là 1 trong 3 phường Xoan gốc thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tên gọi Kim Đái được lấy tên của làng để đặt cho phường Xoan. Theo các nhà nho, chữ “Đái” là cái dây, là chiếc đai; chữ “Kim” là vàng; “Kim Đái” nghĩa là “Đai vàng”.  Làng Xoan Kim Đái nằm trong địa bàn vùng Kinh đô Văn Lang xưa. Người dân Kim Đái sống chất phác, cần cù, chịu khó. Trước Cách mạng tháng Tám, đời sống người dân nơi đây sống hoàn toàn thuần nông, dựa vào đồi rừng ruộng hẹp. Nghề chính là trồng lúa nước, cuộc sống của họ bấp bênh phụ thuộc vào thiên nhiên. Cũng giống như các làng Xoan gốc khác, Hát Xoan của làng Kim Đái ra đời từ hàng nghìn năm nay. Hát Xoan Kim Đái được ra đời xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, thể hiện ước vọng của con người về việc cầu chúc cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. 
Hát Xoan Kim Đái tổ chức thành phường xoan, còn gọi là họ Xoan. Đó là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng bà con với nhau. Phường Xoan chỉ nhận người cùng làng mà không bao giờ nhận người nơi khác.Mỗi phường có một trùm phường, 4 hoặc 5 kép và 12 tới 15 đào.Do tuyển lựa người cùng làng nên nhiều trường hợp người trong một gia đình, một chi họ cùng trong một phường và lần lượt từng thế hệ tham gia họ Xoan tạo nên tính kế thừa truyền thống của phường Xoan.
Trước Cách mạng Tháng Tám, phường Xoan Kim Đái thường biểu diễn ở đình làng Kim Đái vào các dịp như mùng 2 tháng giêng (ngày mở đình), mùng 7 tháng Giêng (ngày lễ cầu đinh), mùng 10 tháng 3 (Giỗ Tổ Hùng Vương), 12 tháng 9 (ngày hội làng) và ngày 15 tháng Chạp (tất niên). Qua nghiên cứu, điều tra các cụ cao tuổi trong làng vẫn còn nhắc đến các trùm phường và các đào, kép Xoan đi hát thời đó như các cụ: Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Thông, Nguyễn Thị Đa…
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do đình bị đốt cháy nên hoạt động của phường Xoan tạm lắng xuống. Lúc này ngôn từ của Hát Xoan được cải biên, nhưng điệu múa vẫn theo truyền thống với nội dung ca ngợi cuộc kháng chiến, vừa cổ vũ tinh thần chiến đấu của tiền tuyến và hậu phương. Khi đất nước được thống nhất, loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn được người dân làng Kim Đái bảo tồn, lưu giữ và đến năm 1998 dưới sự chỉ đạo của Viện Âm nhạc và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Thọ, Câu lạc bộ làng Xoan xã Kim Đức gồm làng Thét, Phù Đức và Kim Đái được thành lập với 24 thành viên. Đến năm 200, 6 phường Xoan Kim Đái được chính thức được thành lập theo Quyết định số 823/QĐ-VHTT ngày 22/6/2006 của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Thọ.
Hiện nay nhân dân làng Kim Đái rất có ý thức trong việc bảo vệ, phát huy di sản Hát Xoan truyền thống, phường Xoan Kim Đái vẫn được duy trì hoạt động thường xuyên. Các nghệ nhân của phường tích cực truyền dạy lại cho con cháu và những người trong làng các quả cách, diễn xướng Xoan truyền thống. Các thế hệ sau cũng ý thức rõ được sự kế tục cần thiết của họ, vì vậy có nhiều người thuộc mọi lứa tuổi trong cộng đồng đã tham gia kế thừa di sản, trở thành lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn và phát triển di sản Hát Xoan của Phú Thọ. Nếu như trước kia Hát Xoan chỉ được truyền dạy chủ yếu bó hẹp trong dòng họ, thì nay phường Xoan Kim Đái còn có những người không cùng dòng họ. Đến nay, phường có 34 thành viên, trong đó có 6 cụ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan. Tổ chức của phường Xoan gồm có: 01 Trùm phường, 01 Phó phường và 1 thư ký kiêm thủ quỹ. Hoạt động của phường không chỉ biểu diễn trong đình làng mình vào lễ hội mùa xuân mà phường Xoan còn tham gia biểu diễn phục vụ các ngày lễ, ngày tết, lễ hội Đền Hùng... nhằm tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến quần chúng nhân dân.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ đã và đang được cộng đồng nhân dân làng Kim Đái trân trọng, gìn giữ bảo tồn từ bao đời nay. Vốn di sản văn hóa ấy không chỉ có sức sống trường tồn mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nhân dân Phú Thọ nói riêng cũng như cả nước nói chung.