Các phường Xoan gốc
Phường Xoan Phù Đức
31/01/2018 22:35
PhuthoPortal - Là 1 trong 4 phường Xoan gốc, phường Xoan Phù Đức còn lưu giữ lại được những nét đặc sắc của câu Xoan mang đậm dấu ấn cội nguồn.
Phường Xoan Phù Đức nằm ở khu 4, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Thời phong kiến, phường Phù Đức thuộc xã Phủ Liễn, tỉnh Sơn Tây. Thời Pháp thuộc, vùng đất này thuộc tổng Phượng Lâu, tỉnh Phú Thọ. Tổng Phượng Lâu khi đó có 4 thôn: An Lão, Nhượng Bộ, Phù Đức và Kim Đái. Năm 1954, theo chính sách giảm tô, thôn An Lão thành xã Hồng Lô; xã Vĩnh Phú gồm thôn Long Thành và Nhượng Bộ; xã Kim Đức có 3 thôn là thôn Hội, thôn Trung và thôn Thét. Theo các cụ trong làng kể lại, phường Xoan Phù Đức được thành lập từ rất lâu rồi, đến nay không còn biết được chính xác từ thời gian nào. Chỉ biết rằng, để có được sự phát triển như ngày hôm nay, phường Xoan Phù Đức đã trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử cùng với công lao của những trùm phường đầu tiên như các cụ Lê Văn Sắt, Lê Văn Chức, Lê Văn Nhật…; các đào Lê Thị Đá, Lê Thị Miền, Lê Thị Tề, Lê Thị Nhạn, Lê Thị Hon; các kép Lê Văn Đôn, Lê Văn Đích, Lê Văn Học…
Trước đây, vào tối mùng 2 Tết, các phường Xoan tập trung về miếu Lãi Lèn để hát. Sáng mùng 3 Tết, các phường về hát ở đình của mình. Đến ngày mùng 7, sau khi hạ cây nêu, các phường bắt đầu đi diễn ở nơi khác. Lúc này phường Xoan Phù Đức bắt đầu đi diễn ở đình xã Cao Mại (Lâm Thao) - xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ) - Thanh Ba - Hạ Hòa - Đoan Hùng (đình Tây Cốc là điểm chốt cuối cùng của chặng đi). Cũng có năm, phường còn lên tận Tuyên Quang để hát. Khi về, phường diễn xuôi theo dọc sông Lô về đến đình Hùng Lô là điểm cuối cùng. Khi đó là khoảng hết tháng hai âm lịch. Sau đó, họ về để chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3). Ngày xưa kinh phí hoạt động của phường chủ yếu có “tiền thướng” và tiền lộc. Khi phường biểu diễn ở đình/miếu thì phường được nhận tiền lộc và một số tiền thù lao để tiễn chân phường. Ngoài ra, trong khi diễn phường Xoan thường đặt mâm ở phía trước chiếu diễn, khách xem sẽ cho tiền vào mâm để ủng hộ cho phường. Số tiền này được gọi là “tiền thướng”. Tất cả tiền lộc và tiền thướng do trùm phường giữ, ghi chép để cuối năm sửa lễ cúng thánh và tổ chức liên hoan.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ, hát Xoan ở địa phương tạm lắng xuống do nhiều khó khăn về về kinh tế, xã hội… Nhưng những làn điệu Xoan vẫn được các đào kép ở địa phương truyền tai nhau để truyền dạy hát Xoan. Những câu chuyện ngày đó đến nay vẫn còn được nhiều người biết như chuyện bà Lê Thị Đá đã tự tập hợp các đào, kép để truyền dạy hát Xoan tại nhà mình; chuyện cụ Chức, cụ Đô, cụ Lập uốn nắn từng cách lấy hơi hát, đưa tay múa cho bà Lê Thị Huệ, ông Lê Xuân Ngũ… Tất cả những thế hệ đầu tiên của phường ngày ấy, họ đã vượt mọi khó khăn, vất vả để truyền dạy và thực hành Hát Xoan bằng chính tình yêu với vốn quý của cha ông mình để lại.
Sau khi đất nước hòa bình, Hát Xoan dần được khôi phục lại, số người biết đến và thực hành Hát Xoan nhiều hơn. Năm 1992, phường Xoan Phù Đức dần được khôi phục với 20 thành viên. Ngày đó trùm phường còn phải đi vận động từng thành viên gia đình tham gia học và biểu diễn Hát Xoan. Năm 1998, Câu lạc bộ Hát Xoan được thành lập tại 2 xã Phượng Lâu và Kim Đức, đánh dấu bước đầu phục hồi Hát Xoan. Lúc này phường Xoan Phù Đức cũng mới chỉ có 27 thành viên. Năm 2006, phường Xoan Phù Đức chính thức được thành lập theo Quyết định số 823/QĐVHTT ngày 22/6/2006 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Sau khi Hát Xoan được UNESCO vinh danh, người dân địa phương đã hiểu và có nhận thức sâu sắc về Hát Xoan, họ thích và muốn được hát Xoan nhiều hơn. Đặc biệt thế hệ trẻ không cần vận động cũng tự nguyện tham gia học và biểu diễn Hát Xoan. Đến nay phường đã có tới 40 thành viên với 3 nghệ nhân ưu tú, 4 nghệ nhân dân gian, 4 nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ trong đó 4 nghệ nhân cao tuổi đã mất. Phường Xoan vẫn duy trì việc biểu diễn Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn trong dịp lễ, tết và khi có các đoàn khách du lịch. Ngoài ra phường Xoan Phù Đức còn tham gia biểu diễn tại các dịp liên hoan, hội nghị, hội thi…
Hiện nay việc truyền dạy cho các thế hệ Hát Xoan đang được các nghệ nhân phường Phù Đức duy trì vào các buổi tối thứ 7, chủ nhật tại nhà nghệ nhân và các lớp Xoan cộng đồng, Xoan kế cận do các cấp chính quyền tổ chức. Ngoài việc truyền dạy ở địa phương, các nghệ nhân trong phường như ông Nguyễn Xuân Hội, ông Lê Xuân Ngũ, bà Lê Thị Huệ còn đi dạy ở các nơi khác như: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Viện Âm nhạc… Niềm đam mê với di sản vẫn còn “cháy” trong lòng các thế hệ nghệ nhân của phường, họ biểu diễn và truyền dạy Hát Xoan bằng cái “tâm” của mình.
Hiện nay được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Hát Xoan, phường Xoan Phù Đức đang tích cực cùng 4 phường Xoan gốc biểu diễn, truyền dạy hát Xoan. Các thế hệ phường Xoan Phù Đức tin tưởng rằng với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt, hát Xoan sẽ mãi là câu hát mộc mạc, bình dị trong lòng mỗi người dân đất Việt và bạn bè khắp năm châu.