Các phường Xoan gốc
Phường Xoan An Thái
31/01/2018 22:33
PhuthoPortal - Nằm ở hữu ngạn dòng sông Lô lịch sử, làng cổ An Thái thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước, có đình An Thái và miếu Cấm (nay là Tổ miếu Hùng Vương) - là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian Hát Xoan, thể hiện lòng thành kính đối với Vua Hùng. Đây cũng là địa điểm sinh hoạt thường xuyên của phường Xoan An Thái, 1 trong 4 phường Xoan gốc.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa vua đi đánh giặc qua làng An Thái, vợ vua đau bụng mãi không đẻ. Làng An Thai (tên trước của làng An Thái) có bà Quế Hoa múa dẻo, hát hay, nhà vua mời đến hát cho vợ vua nghe, hát từ An Thái qua Kim Đức sang đến Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) thì vợ vua sinh không một chút đau đớn. Nhà vua mới mời bà Quế Hoa ở lại trong cung ở bên Cao Mại. Vì thế, làng đổi tên từ An Thai sang An Thái và 2 làng từ đó kết nghĩa anh em.
Phường Xoan An Thái trước đây thuộc 3 họ Xoan là: Họ Xoan của ông Nguyễn Văn Ngữ nằm ở xóm Tây; Họ Xoan của ông Nguyễn Văn Chìu nằm ở xóm Chùa; Họ Xoan của ông Nhuận nằm ở xóm Tây. 3 họ Xoan trên có 2 trùm hát. Các trùm hát truyền chức vị cho con cháu trong nhà. Cụ Nguyễn Văn Chìu mất đi thì chức trùm hát được ông Nguyễn Văn Thắng (con trai) kế thừa. Khi ông Nguyễn Văn Thắng mất đi, chức trùm hát do bà Nguyễn Thị Lịch (con gái) kế thừa. Trong thời gian chiến tranh, phường An Thái không hát ở các đình khác nữa mà chỉ hát ở đình làng mình. Theo lời kể của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, trước khi thành lập phường Xoan gọi là đội Hát Xoan An Thái. Sau đó, những năm trước cách mạng, phường Xoan được thành lập, lúc đó phường chỉ có khoảng 10 người. Thời kỳ kháng chiến, Hát Xoan tạm thời bị gián đoạn. Đến những năm 80 của thế kỷ XX Hát Xoan bắt đầu được nhen nhóm lại. Năm 1998, thành lập Câu lạc bộ Xoan với khoảng 15 - 20 người. Khi đó ông Nguyễn Văn Thắng (bố đẻ của bà Lịch) làm trùm. Năm 2006, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định tái lập phường Xoan. Những năm đầu thành lập, phường Xoan còn gặp nhiều khó khăn về con người, kinh phí hoạt động. Trùm phường có những lúc cũng nản lòng, sau được các thành viên trong phường động viên nên bà Lịch lại tiếp tục đứng ra tổ chức cho phường Xoan hoạt động, từ đó số thành viên tham gia ngày một đông hơn. Từ 15 người (năm 1985), đến nay số lượng thành viên trong phường lên tới 85 người. Phường có đủ 4 thế hệ: Trùm phường (bà Nguyễn Thị Lịch); thành viên nhỏ tuổi nhất là cháu Bùi Việt Hào (sinh năm 2003); thành viên lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1928). Phường hiện đang lưu giữ tất cả 14 quả cách và 28 bài hát hội.
Phường Xoan tổ chức sinh hoạt theo định kỳ vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, các buổi tập được chia theo ca, ví dụ: Ngày thứ 7 hằng tuần là lớp cho các cụ cao tuổi, tối thứ 7 và ngày chủ nhật là lớp các cháu thanh, thiếu niên. Các thành viên phường Xoan tự giác đến học tập theo lịch quy định không ai phải gọi ai. Lớp học được tổ chức tại nhà văn hóa khu hoặc tại nhà ngang của đình làng. Phường thường đi hát ở đình An Thái, vào các dịp mùng 1 Tết, mùng 10 tháng 3 (Giỗ Tổ Hùng Vương) và mùng 9 tháng 9 âm lịch (tiệc làng) hằng năm. Ngoài ra, mỗi tháng phường trình diễn từ 2 - 4 buổi phục vụ khách quốc tế tại đình Hùng Lô. Phường đã cử nghệ nhân truyền dạy Hát Xoan cho Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, phường Xoan An Thái có 13 nghệ nhân được phong tặng là Nghệ nhân dân gian Việt Nam và Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ. Đây là niềm vinh dự và nguồn động viên to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các nghệ nhân của phường Xoan An Thái nói riêng, với di sản văn hóa của dân tộc nói chung.