Các phường Xoan gốc
Phường Xoan Thét
31/01/2018 22:38
PhuthoPortal - Làng Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì - 1 trong 4 chiếc nôi của di sản Hát Xoan Phú Thọ, nơi có phường Xoan Thét từ bao đời nay luôn nặng lòng với trọng trách gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan, để câu Xoan còn vang mãi trong lòng người dân Đất Việt và bạn bè thế giới.
Không ai còn nhớ phường Xoan Thét được hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng Xoan đã ăn sâu vào lòng người dân làng Thét từ tấm bé. Theo lời các cụ cao niên trong phường như cụ Nguyễn Thị Sủng, Bùi Thị Huê… kể lại thì phường Xoan Thét đã được thành lập từ rất lâu rồi, từ hồi bà còn nhỏ đã được nghe bố mẹ Hát Xoan và truyền dạy… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như câu Xoan không còn sức sống, đó là thời kỳ kháng chiến, người dân dốc hết sức người, sức của bảo vệ Tổ quốc, đình làng bị phá hủy, câu Xoan chỉ còn le lói trong lòng những đào, kép nặng tình với Xoan. Đó là thế hệ những trùm phường như cụ Điến, cụ Mẫn, cụ Khả… họ vẫn lặng lẽ tập hợp các đào, kép, tối tối trong ánh đèn dầu luyện tập Hát Xoan để biểu diễn trong các dịp tế lễ, hội làng hoặc tổ chức đi hát khi các làng kết nước nghĩa như Tử Đà (huyện Phù Ninh); Tử Du, Sậu, Quả (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc)… mời sang giao lưu. Mặc dù những năm đó phường Xoan Thét còn rất nhiều khó khăn, những người gắn bó với Xoan lúc đó cũng còn lại rất ít, có lúc cả phường chưa nổi chục người, kinh phí không có thường là do những người đi diễn tự đóng góp, những lúc đi diễn xa phương tiện đi lại không có, phải đi bộ mấy ngày mới tới chỗ biểu diễn… Tuy vậy, lứa các đào, kép như cụ Tiếu, cụ Sủng, cụ Phụng, cụ Huê, cụ Phúc… vẫn đam mê hát và giữ cho ngọn lửa Xoan âm ỉ cháy. Hòa bình lập lại, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, bằng tình yêu với Hát Xoan các lớp đào, kép còn lại ít ỏi đó của phường Xoan Thét vẫn đau đáu một ước nguyện gìn giữ, trao truyền làn điệu dân ca Xoan cổ đến đông đảo các tầng lớp con cháu và nhân dân làng Thét. Bên cạnh việc tiếp tục luyện tập, biểu diễn, vào những dịp nông nhàn các cụ lại truyền dạy cho con cháu trong nhà, trong dòng họ, câu Xoan cũng từ đó mà lan rộng đến các gia đình, các thế hệ người dân trong làng. Xoan cũng không kén người vì thế số người quan tâm, tìm hiểu và học Hát Xoan ngày một nhiều hơn. Phường Xoan Thét lúc này có tới 25 - 26 thành viên, các thành viên trong phường chủ yếu làm nghề nông, lam lũ, vất vả là vậy nhưng họ vẫn tự nguyện tham gia các buổi tập luyện được tổ chức tại nhà trùm phường vào buổi tối, tự nguyện đóng góp các khoản kinh phí để phường hoạt động, để các buổi biểu diễn Hát Xoan được thường xuyên và liên tục hơn.
Trong suốt thời gian từ năm 1998 khi Câu lạc bộ Hát Xoan được thành lập đến năm 2006, phường Xoan Thét được tái lập trên cơ sở 3 phường Xoan gốc, các cụ Nguyễn Thị Sủng, Nguyễn Thị Át, Đào Thị Phụng, Nguyễn Sĩ Tiếu, Nguyễn Ngọc Bảo… trở thành những trụ cột của câu lạc bộ. Bằng cả tấm lòng với Xoan, không đòi hỏi bất cứ một chế độ gì, các cụ vừa đi biểu diễn, vừa đảm nhiệm trọng trách truyền dạy, duy trì hoạt động của câu lạc bộ Xoan. Về sau lớp nghệ nhân già này do tuổi cao không còn đủ sức truyền dạy nhưng họ vẫn tham gia với tư cách là cố vấn cho phường. Các buổi trình diễn Xoan thời gian này không chỉ bó hẹp trong các dịp lễ tết, hội làng mà còn được biểu diễn tại các làng bạn: An Thái, Kim Đái, Phù Đức, Hùng Lô…; tham gia các hội thi, hội diễn dân ca, văn nghệ quần chúng… Bên cạnh đó công tác truyền dạy Xoan cũng rất được quan tâm, đối tượng truyền dạy rộng rãi hơn từ thế hệ cao tuổi tới thanh, thiếu niên. Các lứa đào Xoan kế cận như cô Ngà, cô Nga, cô Nhàn, cô Phượng, cô Oanh… cũng trưởng thành trở thành lớp nghệ nhân kế cận, nòng cốt của phường.
Năm 2009 - 2010 khi Nhà nước tiến hành lập hồ sơ di sản Hát Xoan, là những người nắm giữ các tri thức, kỹ năng Hát Xoan cổ và đã có nhiều năm trình diễn Hát Xoan, các cụ cao tuổi trong phường thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ di sản Hát Xoan đã nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp các tri thức về Hát Xoan, các bản Xoan, trình diễn lại các điệu Xoan cổ và vận động các thành viên tích cực tham gia hoàn thiện hồ sơ với các hoạt động biểu diễn Hát Xoan tại đình, miếu; tham gia làm phim tại các địa phương khác rồi tham gia biểu diễn phục vụ các hội thảo về Hát Xoan… góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, khôi phục làn điệu Hát Xoan Phú Thọ với mong muốn hát Xoan sẽ đến được với đông đảo người dân.
Trước khi Hát Xoan được công nhận, phường Thét có 25 thành viên. Từ năm 2011 đến nay, số lượng thành viên phường Xoan giữ ổn định từ 30 - 40 thành viên với 5 thế hệ, trong đó có tới 11 người được phong tặng Nghệ nhân hát Xoan. Phường tổ chức sinh hoạt định kì 1 tuần 2 buổi vào tối thứ 2 và tối thứ 3 hằng tuần. Mỗi năm phường tổ chức hát Xoan tại đình Thét vào 3 dịp chính: Ngày tiệc hồi cung (11 tháng 9); Tết nguyên đán (3/1) và Hội Đền Hùng (10/3). Ngoài ra, phường còn rất nhiệt tình tham ra các chương trình giao lưu, biểu diễn quảng bá Hát Xoan. Nhờ những cố gắng đó, Hát Xoan dần từng bước khẳng định sức ảnh hưởng của mình đến đời sống tinh thần mỗi người dân xã Kim Đức nói riêng và đông đảo người dân trong và ngoài nước nói chung.