Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

PhuthoPortal - Ngày 6/3/2023, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 649/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm tại cộng đồng và cơ sở y tế; điều tra, xử lý sớm triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị người bệnh theo quy định của Bộ Y tế, hạn chế thấp nhất tử vong.

Nắm bắt thường xuyên diễn biến dịch bệnh trong khu vực, trong nước và trên địa bàn, kịp thời dự báo, cảnh báo nguy cơ và phối hợp các ngành, địa phương triển khai các giải pháp, biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây sang người hiệu quả.

Tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; cung cấp tin, bài, thông điệp truyền thông tới Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và các cơ quan thông tin đại chúng để người dân hiểu, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo hướng dẫn.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ phối hợp cùng Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về đặc điểm của bệnh dịch cúm gia cầm, những cách nhận biết, khai báo bệnh, các biện pháp phòng chống cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tăng thời lượng, tần suất phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự, thông điệp về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực thực hiện vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ động giám sát, kịp thời phát hiện địa bàn có gia cầm chết để triển khai ngay các biện pháp phòng dịch.

Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế sự lây nhiễm vi rút cúm A(H5N1) sang người; kịp thời chia sẻ thông tin về bệnh, ổ dịch và mẫu bệnh phẩm thu thập được của gia cầm hoặc người nghi ngờ mắc bệnh trong quá trình giám sát thực hiện theo quy định.

UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn. Trong đó tập trung truyền thông sâu rộng tới cộng đồng về các biện pháp phát hiện, phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm ốm/chết không rõ nguyên nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đeo khẩu trang; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; khi có hiện tượng gia cầm bị bệnh, chết hàng loạt cần khai báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để hướng dẫn xử lý đúng cách, không để mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.

Phát động phong trào vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng, khu dân cư.

Tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và chính quyền cấp xã trong việc giám sát, phát hiện dịch cúm gia cầm, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao và các chợ gia cầm sống; kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn.

Chi tiết xem tài liệu đính kèm

Hương Giang