Thông tin chỉ đạo điều hành
Tăng cường hiệu quả triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023
Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu dùng, kết nối, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hóa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, bối cảnh quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, một số nền kinh tế lớn tiếp tục suy thoái; xung đột Nga - Ucaraina chưa chấm dứt… Trong nước, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào (xăng, dầu…); áp lực điều hành kinh tế vĩ mô trước sức ép về tỷ giá, lạm phát; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai… diễn biến bất thường. Những yếu tố này sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ phục hồi sản xuất; đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023.
Nhằm tăng cường hiệu quả triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, trong đó tập trung các nội dung sau:
1. Sở Công Thương: Tổng hợp, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến tình hình thương mại trong nước và các thị trường nước ngoài, các chương trình xúc tiến thương mại các cấp, nội dung các Hiệp định thương mại quốc tế (điều kiện thị trường, mặt hàng tiềm năng, tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với các mặt hàng…); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và khả năng tận dụng khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động số 1688/KH-UBND ngày 13/5/2022 về thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025. Hỗ trợ, hướng dẫn, kết nối đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu; đồng thời đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ công nghệ thông tin ứng dụng trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số; cập nhật, hoàn thiện sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh giaothuong.net.vn và tăng cường thu hút các doanh nghiệp cung cấp thông tin và tham gia sàn giao dịch này.
Triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt; lựa chọn các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp để phổ biến tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia nhằm tăng cường hiệu quả giới thiệu, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm. Huy động nguồn lực của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển thương mại trên địa bàn (chợ, trung tâm thương mại, trung tâm logistics…).
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực (chè, bưởi, quế, chăn nuôi, lâm nghiệp, OCOP, cấp và quản lý mã số vùng trồng…) giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh đã ban hành; hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản áp dụng quy trình sản xuất, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGap, hữu cơ, ISO, HACCP, các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu...) áp dụng cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch nông sản; thực hiện có hiệu quả việc cấp và quản lý mã số vùng trồng đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị để thu hút các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, các trung tâm logistics các cấp.
4. Sở Khoa học và Công nghệ: Tăng cường hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản chủ lực.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương để thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách phát triển về thương mại, nội dung các Hiệp định thương mại, các Kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; xây dựng tin, bài, phóng sự, clip và tăng cường thời lượng tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thông tin về thị trường hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
6. UBND các huyện, thành, thị: Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng quy trình sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu.
7. Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh: Chủ động nghiên cứu, nắm bắt yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh đồng thời tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước.
Chi tiết xem tài liệu đính kèm
Hương Giang