Tăng cường quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội

PhuthoPortal - Với những tiện ích như chủ động, tiết kiệm thời gian, hiện nay mua sắm trực tuyến đang trở thành một xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích thiết thực thì việc mua hàng online cũng tiềm ẩn một số nguy cơ rủi ro nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.

Quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng trị viêm xoang Cát Vượng Hoàn

Trong thời gian qua, với sự phát triển của internet, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường,… trên mạng xã hội. Theo cảnh báo của Bộ Y tế, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược.

Lướt qua một số trang mạng xã hội, chúng ta có thể bắt gặp nhiều bài viết, clip quảng cáo thực phẩm chức năng được gắn với thương hiệu của Đài truyền hình Việt Nam vì có gắn logo ở góc màn hình. Tuy nhiên, thực tế những clip này không phải do VTV sản xuất và các nhân vật thần y trong phóng sự cũng là giả mạo. Với “cam kết khỏi bệnh sau một lộ trình, “chữa dứt điểm đau xương khớp chỉ sau 15 ngày”… kèm theo đó là hình ảnh được giới thiệu là các bác sĩ, thầy thuốc gia truyền đã khiến nhiều người tin tưởng, bỏ ra hàng triệu đồng để mua sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Vân - xã Lương Sơn, huyện Yên Lập chia sẻ: Có nhiều đoạn quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng có công dụng như “thần dược” được xen kẽ trong các clip trên youtube khiến người xem bị đánh lừa. Bản thân người nhà tôi cũng đã tin tưởng mua và sử dụng thuốc “trên mạng”. Nhưng khi uống mãi không khỏi thì mới tìm hiểu và vỡ lẽ là đã bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Hàng loạt bài viết về thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được chào bán trên facebook

Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi lừa dối khách hàng, không chỉ gây nhầm tưởng về công năng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe mà còn tốn kém tiền bạc và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khám bệnh, mua thuốc điều trị tại các cơ sở bán lẻ thuốc đã được cấp phép hoạt động, các cơ quan chức năng chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã rà soát hoạt động quảng cáo trên báo điện tử, cổng/trang thông tin điện tử; triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của cơ quan, đơn vị, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đăng quảng cáo trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo, trọng tâm là quảng cáo trên môi trường mạng (bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới). Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc, các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên các website, các trang mạng xã hội để người dân biết và phòng tránh.

Để ngăn chặn và phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các trang mạng xã hội cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành liên quan. Ngoài công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhất là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh; thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo các loại thuốc chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép… Đồng thời siết chặt quản lý, kiểm tra, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc trái phép trên các mạng xã hội; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nhiều người dân lựa chọn hình thức mua hàng online nhờ sự tiện ích mà nó mang lại

Mua hàng trên mạng xã hội không còn là điều quá xa lạ với người tiêu dùng, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với sự vào cuộc tích cực trong công tác quản lý của các cấp, các ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm, lựa chọn địa chỉ mua hàng uy tín, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Huyền Trang