Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển

PhuthoPortal - Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là góp phần quyết định tăng ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng vào đổi mới chất lượng điều hành và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
hành-chính-công.jpg
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính công khai, minh bạch
Thực tế hiện nay cho thấy đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Mỗi năm cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đã đóng góp 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 70% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động.
Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tính riêng trong 9 tháng năm 2018, có trên 580 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 23,6%; tổng số vốn đăng ký 2.331,1 tỉ đồng; tỉ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4 tỉ đồng. Chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho 85 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký đạt 4.450 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 59 triệu USD. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm gồm 15 dự án trong nước, 10 dự án đầu tư mở rộng. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn còn tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn với số tiền ủng hộ mỗi năm lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên, trước nhiều biến động của thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động gia tăng. Trong 9 tháng năm 2018 có trên 170 doanh nghiệp giải thể, phá sản; 38 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Các lĩnh vực giải thể, phá sản nhiều nhất gồm: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 60,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 28,6%; xây dựng chiếm 8,6%. Loại hình đăng ký doanh nghiệp giải thể, phá sản phổ biến nhất là công ty TNHH 58%, công ty cổ phần 32,1%, doanh nghiệp tư nhân 9,9%.
Cộng đồng doanh nghiệp gặp phải khó khăn trên là do phần lớn doanh nghiệp trên địa tỉnh có qui mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo; năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Doanh nghiệp phát triển còn manh mún, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp; ít doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế. Tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nợ tín dụng quá hạn và nợ thuế kéo dài, nợ bảo hiểm xã hội... xảy ra nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số chính sách về phát triển doanh nghiệp chưa đồng bộ, chậm được ban hành. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế trong khi công tác tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp còn mang tính dàn trải, phân tán, cắt khúc và rời rạc. Các doanh nghiệp chỉ nhận được một trong các chương trình hỗ trợ chưa mang tính tổng thể, toàn diện, do đó chưa tạo được tác động cộng hưởng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trên cơ sở năng lực cạnh tranh ngày một cao hơn.
Thực hiện chủ trương về phát triển doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp tại địa phương, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính thường xuyên được thực hiện. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các chính sách, thủ tục hành chính được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử và được niêm yết tại trụ sở các cơ quan, đơn vị để người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện. Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính công khai, minh bạch và đúng quy định, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng xây dựng, điều chỉnh trên cơ sở rà soát đồng bộ từ các sở, ngành, địa phương, đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trung bình không quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; hạn chế việc hình sự hóa các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Công tác hỗ trợ về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh được triển khai thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh đã giao đất cho nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng thuộc 3 khu công nghiệp với diện tích 410,89ha; giao đất cho 8 doanh nghiệp thuê đất để xây dựng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp với diện tích là 182.64ha; giao đất cho 50 doanh nghiệp với diện tích 165.06ha. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.774 lượt lao động nông thôn với tổng kinh phí 6.822 triệu đồng. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh đạt 62,55 điểm, tăng 3,95 điểm so với năm 2016, vào nhóm các tỉnh thành có chỉ số (PCI) khá; xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 2 hạng so với năm 2016 và đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
IMG-8650.jpg
Dây chuyền sản xuất găng tay của Công ty TNHH găng tay Dong Won Việt Nam tại Cụm Công nghiệp Làng nghề Hoàng Xá, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy
Trong năm 2017, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế tiền thuê đất đối với doanh nghiệp trên địa bàn với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất miễn, giảm cho doanh nghiệp là 27,1 tỉ đồng. Mặt khác, các chính sách cho vay hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi được thực hiện đồng bộ, tích cực. Tính đến hết năm 2017, các ngân hàng đã cho 2.203 doanh nghiệp vay với tổng dư nợ 20.568 tỉ đồng, chiếm 42,07% tổng dư nợ doanh nghiệp trên địa bàn; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn với 454 doanh nghiệp, tổng dư nợ 2.700 tỉ đồng; cho 73 doanh nghiệp doanh nghiệp xuất khẩu vay với tổng dư nợ 2.476 tỉ đồng.
Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giới thiệu môi trường đầu tư, các dự án trọng điểm kêu gọi các nhà đầu tư đến năm 2020 tại Trung Quốc, Pháp, Ý, Thụy Điển, Hoa Kỳ... Công tác đối thoại doanh nghiệp, giải quyết phản ánh, kiến nghị tiếp tục được quan tâm thực hiện thường xuyên, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ này đạt hiệu quả cao và rõ nét hơn, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, cơ chế, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu; thủ tục hải quan cũng như thủ tục đăng ký kinh doanh.
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2017 định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, hành động thiết thực, hỗ trợ, động viên cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành, địa phương; công khai, minh bạch thông tin; hỗ trợ pháp lý và tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, người dân; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Cùng với các chính sách của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng cần đoàn kết, chia sẻ, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu cùng phát triển bền vững. Chủ động duy trì và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn; tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các cuộc vận động thực hiện các chính sách xã hội của chính quyền tỉnh, địa phương và phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp.
Nguyễn Liên