Thiên Cổ Miếu Thờ thầy giáo thời Hùng Vương

Thôn Hương Lan thuở xưa gần cung điện Lầu thượng, Lầu hạ của Vua Hùng, ngày nay thuộc xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có Thiên cổ miếu - một di tích lịch sử độc đáo thờ người thầy dạy học thời Hùng Vương. 
image001_27.jpg
Trải qua hơn 2.000 năm, đến nay ngôi miếu này vẫn tồn tại, là một bằng chứng về lịch sử văn hoá giáo dục và văn minh thời Lạc Việt. Trước cửa miếu, hai bên là hai cây táo cổ thụ, to, cao ước đoán trên ngàn năm tuổi. Bên trong miếu, chính giữa là bức hoành phi vời dòng chữ đại tự “Thiên cổ miếu”, nghĩa là miếu có từ ngàn xưa. Hai bên là đôi câu đối: “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/Nam thên chính khí linh từ”.Tạm dịch: Di tích ở Hùng Lĩnh (Đền Hùng) là trung tâm của cả nước không nơi nào sánh nổi/Chính miếu này là khí thiêng cả trời Nam
Trên bệ cao là tượng thầy giáo Vũ Thê Lang và vợ là Nguyễn Thị Thục, được sơn son thếp vàng. Dưới là tượng của Ngọc Hoa công chúa và Tiên Dung công chúa - con gái Hùng Vương thứ mười tám, đầu đội mũ lông chim công. Đây là hai học trò yêu quý nhất của ông bà. Dưới là hai pho tượng nhỏ: Tiên đồng, Ngọc nữ theo hầu hai công chúa. Trong miếu có 3 bát hương cổ bằng đất nung, hoa văn đẹp, giống hoa văn khắc trên trống đồng.
Ở đây còn giữ được bản Ngọc phả viết bằng chữ Hán trên giấy gió trắng dầy 13 trang do Đông các địa học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1573. Trong Ngọc phả nói rõ cha của Vũ Thê Lang là Vũ Công ở Mộ trạch Hải Dương, dòng dõi thi thư. Nhưng vì không có gia sản, cảnh nhà xơ xác, 2 ông bà lên cung thành Văn Lang trú ở ngoại thành, tìm chỗ dạy học làm kế sinh nhai. 2 ông bà sinh được người con trai đặt tên là Thê Lang. Khi trưởng thành Thê Lang tìm đến người quen cũ của cha ở Đông Ngàn Kinh Bắc lấy con gái thứ của ông Nguyễn Công tên là Thục làm vợ. 2 người đưa nhau về Hương Lan tiếp nối nghề của cha mẹ, chăm việc dạy học, cày ruộng, tầm tang và ra sức làm điều nhân nghĩa.
Ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (303 TCN) ông bà sinh được người con trai đặt tên là Rô - hai năm sau sinh một bọc hai con trai. Ngày 2 tháng 2 năm Quí Dậu (288 TCN,) ông bà không ốm mà mất. Ba con trai cùng các học trò và dân trong thôn trang làm lễ chôn cất rồi dựng miếu thờ.
Như vậy, Thiên Cổ Miếu là bức thông điệp nền văn hiến thời Hùng Vương. Ông cha ta rất coi trọng thầy giáo, coi trọng giáo dục đào tạo những người hiến tài cho Đất nước, vì “hiền tài là nguyên khí của Quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp” và nêu cao đạo lý: tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn và tinh thần hiếu học của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa.
Hằng năm, cứ đến Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thầy giáo và học trò trong thành phố Việt Trì đền Thiên cổ miếu dâng hương tưởng niệm, báo cáo thành tích giảng dạy và học tập của trường mình.
Năm 2003, Thiên cổ miếu được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận là di tích lịch sử văn hoá. Mới đây Thiên cổ miếu được đầu tư, xây dựng khang trang, khoáng đạt hơn xưa nhiều. Bắt đầu từ năm 2007 gọi là Đền Thiên Cổ.