Điểm đến du lịch
Thờ Quốc tổ thiêng liêng một niềm tin
13/01/2019 18:29
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và vinh dự lớn không chỉ của người dân miền Đất Tổ mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Vua Hùng - cụ Tổ của dân ta đã được thế giới vinh danh.

Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, sự biết ơn và sự tri ân công đức các Vua Hùng có công khai quốc, sinh dân. Thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa các Vua Hùng với các thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến mai sau. Là sợi dây liên kết tinh thần giữa thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh quan niệm sống của người Việt Nam: Trọng tình nghĩa, thủy chung, sự biết ơn, lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Xét về bản chất, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo vì nó không có giáo lý, không có giáo chủ đồng thời cũng không có giáo dân; mà nó chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn/ tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước của con Lạc cháu Hồng hàng ngàn đời sau trong lịch sử. Khác với tôn giáo: Phật giáo hay Thiên chúa giáo, người Việt thắp hương thờ cúng Hùng Vương chỉ xin Vua Hùng phù hộ cho cuộc sống hiện tại chứ không xin cho khi nhắm mắt xuôi tay được sớm lên thiên đàng hoặc sớm về nơi Tây phương cực lạc, hưởng chốn bồng lai tiên cảnh.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự sáng tạo văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Căn bản triết lý hay nói chính xác hơn là sự minh triết Việt trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quan niệm “Vạn vật hữu linh – vạn vật hữu hình” và “Cây có cội, nước có nguồn”; “Con người có tổ tông, nòi giống”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là tín ngưỡng bản địa; tục thờ thuần Việt, ở đây đối tượng được tôn thờ là Thánh Tổ Hùng Vương - ông Tổ không phải của riêng một dòng họ, một làng, một vùng mà là Tổ của dân, của nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là tín ngưỡng bản địa; tục thờ thuần Việt, ở đây đối tượng được tôn thờ là Thánh Tổ Hùng Vương - ông Tổ không phải của riêng một dòng họ, một làng, một vùng mà là Tổ của dân, của nước.
Ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ý thức nhớ về cội nguồn dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; sự kết nối cộng đồng hình thành nên tính đại diện cộng đồng sâu sắc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng rãi, trải dài khắp cả nước, từ Bắc vào Nam; gần như ở khắp các tỉnh thành, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó có thờ cúng Hùng Vương gắn với thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, làng xã.
Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà nổi bật là Đền Hùng, di tích quốc gia đặc biệt, nơi đất thiêng nghĩa tình, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lâu đời nhất, quy mô nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo dòng chảy của thời gian và ký ức, trải qua bao biến cố, thăng trầm, di sản vẫn trường tồn và phát triển. Đó là sự hồi cố, kết tinh và tỏa sáng của văn hóa Lạc Việt - văn mình lúa nước - văn minh sông Hồng. Di sản văn hóa ấy đã và đang tỏa sáng, lan rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn nổi bật, tiêu biểu toàn nhân loại và đại diện toàn cầu.Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt của văn hóa việt Nam, được hình thành và phát triển trường tồn cùng lịch sử dân tộc, được cộng đồng người Việt cả trong nước và nước ngoài mặc nhiên thừa nhận là bản sắc riêng của mình để bảo tồn phát huy. Vua Hùng – vua Thủy Tổ được tôn thờ như một vị Thánh Vương của cộng đồng dân tộc, một điểm tựa tâm linh vững chắc cùng tồn tại với non sông đất nước, từ trong quá khứ, cả trong hiện tại và mãi đến mai sau.