Thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025

PhuthoPortal - Ngày 17/5/2023, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1770/UBND-CNXD về việc thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Công Thương phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) đến các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia kinh doanh qua TMĐT; vận động các sàn giao dịch, tổ chức, các cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh hàng giả nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật về TMĐT.

Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan rà soát, hệ thống hóa và tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm tiếp nhận thông tin để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT trong kinh doanh để buôn bán hàng giả ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của bộ, ngành trung ương và các đơn vị của tỉnh để nắm bắt thông tin; chủ động tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh triển khai hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh.

2. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lực lượng công an địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm; tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

Cử cán bộ tham gia hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT của các lực lượng chức năng; tăng cường trao đổi thông tin về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả trong hoạt động TMĐT.

3. Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các trang mạng (website), ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông để cung cấp thông tin, cảnh báo tới người tiêu dùng để chủ động phòng tránh các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT; kiểm tra, giám sát việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa liên quan từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.

Cung cấp thông tin cho các ngành chức năng liên quan trong việc xử lý các vi phạm về đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm hàng hóa trên thị trường để phối hợp quản lý và cảnh báo tới người tiêu dùng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với Sở Công Thương và Cục quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; kịp thời thông tin, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; cũng như cung cấp thông tin về các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, các vụ án, vụ việc điển hình, các biện pháp tự bảo vệ khi tham gia TMĐT nhằm nâng cao nhận thức của nguời tiêu dùng khi tham gia giao dịch mua bán trên môi trường TMĐT.

6. Cục Thuế tỉnh: Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các loại hình kinh doanh TMĐT, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh TMĐT mà không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi pham pháp luật trong hoạt động TMĐT để cùng phối hợp xử lý kịp thời.

7. UBND các huyện, thành, thị: Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành, thị; các phòng, ban chuyên môn, các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.

8. Đề nghị Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh: Phối hợp cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT. Tư vấn, hòa giải các khiếu nại, tranh chấp của người tiêu dùng với các đơn vị liên quan nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Chi tiết xem tài liệu đính kèm

Hương Giang