Tin tức
Tổng kết công tác dân tộc năm 2022; sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân tộc năm 2022.
Đồng chí đề nghị: Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương quán triệt đầy đủ và triển khai đồng bộ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Đặc biệt là quyết liệt phối hợp, tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS…; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật đối với các chương trình, chính sách dân tộc tại vùng DTTS và miền núi.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng khẳng định: Công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được thực hiện bài bản, nền nếp. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; từng bước đổi mới về tư duy kinh tế, tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi được duy trì và giữ vững.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện phân bổ nguồn vốn đảm bảo đúng quy định, quy trình; đồng thời chỉ đạo tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình. Tỉnh xác định đây là nguồn lực lớn, là việc làm căn cơ để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc; từ đó tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cuộc sống cho đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Cả nước hiện có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Năm 2022, tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi cơ bản ổn định. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của cả nước duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Ngay đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ gần 22.326 nghìn tấn gạo cho 379,8 nghìn hộ ở 17 tỉnh, thành phố với hơn 1,2 triệu nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói. Trong 11 tháng đầu năm, Ủy ban Dân tộc và các địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội, trao hàng nghìn phần quà cho các hộ gia đình DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, học sinh DTTS nghèo vượt khó và người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025, các bộ, ngành trung ương đã cơ bản hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và hệ thống văn bản pháp lý để làm cơ sở cho các địa phương triển khai; đồng thời thực hiện việc phân bổ vốn triển khai chương trình. Trong năm, Ủy ban Dân tộc cùng 15 bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình đã hoàn thành 32/33 văn bản hướng dẫn; 60 văn bản trao đổi, quy trình… Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình trên địa bàn.
Thanh Hòa