Tin hoạt động
Tự hào 60 năm “Thành phố ngã ba sông”
Thành phố Việt Trì còn được biết đến với tên gọi khác là “thành phố ngã ba sông” - nơi hợp lưu của 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Ngay từ buổi bình minh dựng nước, các Vua Hùng đã chọn nơi đây là kinh đô của nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Việt Trì là một làng nằm trong Tổng Lâu Thượng thuộc huyện Hạc Trì. Đến tháng 2/1955, thị trấn Việt Trì được thành lập. Sau khi sáp nhập thêm xã Phong Châu - Bạch Hạc (ngày 7/6/1957), thị trấn Việt Trì đổi tên thành thị xã Việt Trì.
Ngày 4/6/1962, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập thành phố Việt Trì trực thuộc tỉnh Phú Thọ gồm thị xã Việt Trì và 4 xã: Minh Khai, Tân Dân, Lâu Thượng, Minh Phương. Sau nhiều lần sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính, đến nay thành phố Việt Trì có diện tích tự nhiên là 11.175,11ha với 22 đơn vị hành chính, 176 khu dân cư và trên 218.000 nhân khẩu.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc cũng như quá trình xây dựng và trưởng thành của mình, nhân dân Việt Trì đã cùng nhau đoàn kết, đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của chính quyền thực dân phong kiến; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng thời đóng góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần cùng cả nước viết nên những bản anh hùng ca bất hủ trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Đặc biệt, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với sự ra đời của Khu Công nghiệp Việt Trì năm 1962, thành phố Việt Trì đã trở thành thành phố công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Ở thời điểm đó, trên mảnh đất Việt Trì đã xuất hiện cả một hệ thống các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp hiện đại chuyên sản xuất điện, dệt, giấy, hóa chất, đường, mì chính… Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của “thành phố ngã ba sông” anh hùng.
Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo chung tay xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh. Từ một nền kinh tế tự cấp, tự túc, lấy nông nghiệp làm chủ đạo, sau gần một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, đến nay kinh tế - xã hội của thành phố đã có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết cấu hạ tầng đô thị phát triển ngày càng đồng bộ. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Bình quân cả giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 9,64%. Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.215 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.029,73 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%; tỷ lệ phường văn minh đô thị đạt 92,3%. Hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đều đạt 96% trở lên; 100% khu dân cư có nhà văn hoá hoạt động hiệu quả.
Khu Công nghiệp Việt Trì xưa nay không còn, thay vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của Khu Công nghiệp Thụy Vân, Cụm Công nghiệp Bạch Hạc với nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất gỗ, may mặc, gạch men, công nghệ cao… Nhiều công trình hạ tầng kinh tế kĩ thuật được đầu tư và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang, đường Phù Đổng, đường Trường Chinh.
Cùng với đó, thành phố đã và đang hình thành, xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ðền Hùng - Trung tâm thành phố - Bến Gót, Bạch Hạc; duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa khu dân cư; đưa vào hoạt động các dự án hạ tầng dịch vụ du lịch trọng điểm và một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn… Từ đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân thành phố và phục vụ du khách khi đến với Việt Trì.
60 năm đã qua, Việt Trì hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày, mang diện mạo của một đô thị hiện đại tràn đầy sức sống với sự kế thừa của những giá trị truyền thống tốt đẹp. Một “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” dần hiển hiện trước mắt với không gian, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy; nhà cao tầng mọc lên san sát, phố sá thênh thang, sáng - xanh - sạch - đẹp; người dân thân thiện, văn minh, lịch sự và giàu lòng mến khách.
Tự hào trước sự đổi mới của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, tiến bước vững chãi trên con đường hội nhập và phát triển.
Thanh Hòa