Tin tức
Tự hào là vợ chiến sỹ cắm cờ giữ đảo Len Đao
Hình ảnh hiếm hoi của ông Khổng Ngọc Quang chụp cùng với gia đình
Theo lời kể của bà Chỉnh, ông Quang công tác tại Lữ đoàn 125 - Binh chủng Hải quân và thực hiện nhiệm vụ tại tàu HQ-605 với vai trò là thuyền phó. Tham gia trong tổ chiến đấu của tàu HQ-605, ông và các đồng đội thay nhau cắm lá cờ đỏ sao vàng lên đảo Len Đao. Đồng đội hy sinh, tàu bị chìm, ông Quang phải bám vào chiếc xà gỗ lênh đênh trên biển. Ba ngày ba đêm giành giật sự sống giữa biển khơi, ông trôi dạt đến đảo Sinh Tồn, thoát chết trong gang tấc giữa mưa đạn của kẻ thù.
Thấu hiểu nhiệm vụ cao cả của chồng, để chồng yên tâm công tác, ở nhà, bà Chỉnh ngày đêm vất vả, bươn chải lo cho gia đình có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành.
Năm 1983, bà Chỉnh sinh đứa con gái đầu lòng. Rồi đến năm 1988, bà sinh đôi. Cả 2 lần sinh nở, không có chồng bên cạnh, bà tự vượt cạn, một mình chăm sóc con thơ.
Bà còn nhớ như in những đêm bên ánh đèn dầu leo lét bóng mẹ con bà lủi thủi hắt lên vách, nghe con hỏi: “Bố đâu rồi? Bao giờ về hả mẹ?”, bà chỉ biết xoa đầu con thủ thỉ rằng: “Bao giờ thắng giặc ngoại xâm bố con sẽ trở về”.
Những năm tháng chồng tham gia chiến đấu, bà thay chồng gánh vác công việc gia đình. Bố mẹ chồng già, các em chồng nhỏ dại, mọi việc trong gia đình đều đến tay bà. Cuộc sống khi đó ở miền quê nghèo Tứ Xã (huyện Lâm Thao) gặp nhiều khó khăn, bà Chỉnh thường xuyên đạp xe vào huyện Thanh Sơn (cách nhà hơn 20km) để mua sắn khô; loại sạn bán làm thức ăn cho lợn, loại trắng bán để người ăn. Rồi bà đạp xe lên tỉnh Tuyên Quang (cách nhà 40km) để bán mắm… xoay xở đủ nghề để duy trì cuộc sống gia đình.
Bà Nguyễn Thị Chỉnh cùng con trai út xem lại những hình ảnh kỷ niệm về chồng mình
Năm 1991, ông Quang phục viên trở về. Tưởng chồng về sẽ đỡ vất vả, nhưng vết thương ở đầu làm cho ông Quang không giúp bà được nhiều, bà vẫn là trụ cột của gia đình. Bà bán thóc, bán lợn, mua than đóng gạch dựng một căn nhà nhỏ thay cho túp lều ngày trước.
Ông Quang làm bảo vệ cho Hợp tác xã nông nghiệp, bà Chỉnh làm 8 sào ruộng, cộng thêm ông bà đón đứa con trai thứ tư chào đời, cuộc sống gia đình không đủ ăn. Thấy vậy, bà bàn với chồng đi buôn muối với mong muốn có điều kiện nuôi con ăn học. Sẵn muối, sẵn con tôm, con tép ở quê chồng, bà nghĩ ra cách làm mắm để thêm phần sinh lợi. Dần dà thấy dân quê cần gì bà bán thêm thức ấy, lúc thì xà phòng, khi dầu ăn... Sự bươn trải giúp ông bà dần dà tích góp được ít vốn liếng.
Niềm vui nhỏ của bà Chỉnh hiện nay là được chăm sóc những thùng rau xanh cung cấp cho gia đình và vui vẻ cùng con, cháu
Thương mẹ nhọc nhằn, đứa con đầu của bà đang học lớp 8 xin nghỉ để bán hàng giúp mẹ, nhường cơ hội học tập cho các em. Mồ hôi mẹ chan hòa như muối mặn. Các con bà học để trả nợ cho những sọt muối, những hũ mắm nhọc nhằn mưu sinh của mẹ và thành quả là những tấm bằng đại học của các trường đại học tốp đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân... Nhưng niềm vui của bà ngắn chẳng tày gang khi ngày nhận tin báo hai con vào đại học cũng là ngày chồng bà biết tin mình mắc ung thư. Chỉ hai tháng sau đó, ông mất (năm 2006), bà lại gắng gượng vượt qua nỗi đau mất chồng, cặm cụi làm lụng dành tiền cho con ăn học, xây lại căn nhà thờ tiên tổ. Các con của bà đều thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ nên luôn cố gắng học hành.
Anh Khổng Ngọc Trọng (con trai út bà Chỉnh, hiện đang công tác tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội) chia sẻ: Sự anh dũng của bố khi chiến đấu với kẻ thù và sự chịu thương, chịu khó của mẹ luôn là niềm động viên to lớn để chúng tôi nỗ lực rèn luyện, học tập để làm sao bù đắp và xứng đáng với sự hy sinh đó của bố, mẹ tôi.
Vượt qua mọi khó khăn, bà Chỉnh giờ đây đã được đền đáp khi các con của bà đã thành đạt. Ở tuổi xế chiều, giờ bà Chỉnh đang tận hưởng niềm vui của tuổi già với các con, cháu. Niềm mong ước nhỏ nhoi của bà giờ chỉ là các con, các cháu bà mạnh khỏe, chăm ngoan, sống có hiếu với bề trên và không quên về những hy sinh của các bậc cha ông đi trước.
Vũ Tuân