Tin tức
Từ ngày 15/4 - 15/5/2022: Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022
HTX Nông nghiệp Trường Thịnh ở phường Phong Châu luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng về diện tích và sản lượng. Công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Hàng hóa nông lâm thủy sản sản xuất trong tỉnh bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng, nhiều vi phạm về ATTP được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành của tỉnh tăng cường công tác giám sát chất lượng, vệ sinh ATTP, tập trung vào các sản phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân. Trong đó, đẩy mạnh, tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản an toàn; nhân rộng mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với chuỗi cũng ứng thực phẩm an toàn. Chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như: Lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thuỷ sản nhỏ lẻ. Tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký...
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh thì các ngành khác như: Y tế, Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh... cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và chia thành nhiều tổ tiến hành kiểm tra tại 13 huyện, thành, thị; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết. Các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thành lập các đoàn kiểm tra để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Sản phẩm thịt chua của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở khu 2, thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) được sản xuất theo đúng quy định về vệ sinh ATTP
Trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và trên 100 cửa hàng Vinmart+, cửa hàng tiện ích, có quy mô từ 100 - 500m2 đang hoạt động ổn định. Hiện có gần 60 sản phẩm nông sản, thực phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như rau, củ, quả; các loại bánh đã qua chế biến; thịt các loại; chè và các loại dầu ép ra từ nông sản. Toàn tỉnh bước đầu hình thành và phát triển được 78 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên rau, quả, chè, thịt.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Thịnh ở phường Phong Châu (thị xã Phú Thọ) hiện duy trì hơn 40ha trồng rau, trong đó 8ha đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm của HTX đã được đưa vào tiêu thụ trong Siêu thị Co.op Mart và một số cửa hàng tiện ích. Trong quá trình sản xuất rau an toàn, các hộ dân tham gia mô hình phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thực hiện ghi chép nhật ký đầy đủ.
Ông Vũ Xuân Phượng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trường Thịnh cho biết: Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô 40ha có sự giám sát chéo nhau để hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng rau theo tiêu chuẩn VietGap đáp ứng thị trường. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ thành viên thay đổi tư duy sản xuất để tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng cung ứng cho thị trường.
Không chỉ riêng HTX Nông nghiệp Trường Thịnh chú trọng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, những năm qua các HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong sản xuất, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn để cung ứng tới tay người tiêu dùng.
Sản xuất mỳ gạo theo hướng ATTP của HTX Mỳ gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì)
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, cùng với các ngành, địa phương, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh chú trọng tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nông lâm, thủy sản để kịp thời thẩm định, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn cơ sở có đăng ký xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thực hiện các tiêu chí để được cấp chứng nhận theo quy định.
Tuy nhiên, để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, ngoài sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cơ quan quản lý, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh ATTP, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, lựa chọn kỹ sản phẩm, kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ in trên bao bì.
Liên Linh