Tin Tức
Việt Trì - Nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị nguồn cội
Được xem là đất phát tích, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, những năm qua, thành phố Việt Trì đã nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Trải qua thăng trầm lịch sử, thành phố hiện vẫn còn lưu giữ 117 di sản văn hóa vật thể thuộc 4 loại hình (di tích lịch sử - danh nhân, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích văn hóa - kiến trúc tôn giáo, di tích khảo cổ học) và 52 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 5 loại hình (lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống).
Toàn thành phố có 54 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di tích đặc biệt quốc gia, 13 di tích cấp quốc gia và 40 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, thành phố đang lưu giữ, bảo tồn 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” cùng với hệ thống di tích gắn liền với 2 di sản này; tiêu biểu như: Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ðền Hùng, đình cổ Hùng Lô, đền Tam Giang và chùa Đại Bi, đình Cổ Tích, miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Kim Đới, Đình Thét... Trong đó, Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ðền Hùng là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước.
Từ năm 2020, thành phố Việt Trì được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt xây dựng trở thành “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Đây là nguồn cổ vũ, động viên, tiếp thêm động lực để thành phố gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng không chỉ của nhân dân Đất Tổ mà còn của cả dân tộc Việt Nam.
Cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa mang đặc trưng vùng Đất Tổ, đó là: “Cởi mở, thân thiện, đoàn kết; ban hành quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để quy hoạch, hình thành, phát triển không gian lễ hội tại các xã, phường, khu dân cư và khôi phục các làng nghề truyền thống; đảm bảo kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và của tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hiện tại, thành phố đã và đang hình thành, xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ðền Hùng - Trung tâm thành phố - Bến Gót, Bạch Hạc. Duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương trên địa bàn và tổ chức các lễ hội mới để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết với các địa phương trong tỉnh, trong vùng, các trung tâm du lịch, đối tác trong và ngoài nước để hình thành các khu du lịch - dịch vụ.
Nhờ đó đến nay, Việt Trì đã trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng trong hành trình khám phá vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam với 35 lễ hội đặc sắc. Trong đó, quy mô lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, kế đến là Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô và Lễ hội văn hóa dân gian đường phố. Nhiều lễ hội độc đáo như lễ hội “Cướp bông, ném chài” đền Vân Luông, lễ hội đình Hùng Lô, lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa, trình diễn hát Xoan tại xã Kim Đức… vẫn đang được cộng đồng địa phương gìn giữ và duy trì tổ chức thường niên. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng phong cách công dân Đất Tổ; đưa hình ảnh thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam tới gần hơn với đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục có những điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Việt Trì gắn với Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025 và Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng. Trong đó nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính để tạo lập vị thế mới cho thành phố Việt Trì, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi khu vực, tạo động lực phát triển cho vùng và tỉnh.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch gắn với giá trị văn hóa vùng Đất Tổ như du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, lễ hội; đồng thời xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối trong tỉnh với các vùng trong cả nước, góp phần lan tỏa thông điệp ấn tượng, mạnh mẽ “Phú Thọ - Việt Trì một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, chất lượng và an toàn”.
Đến với thành phố Việt Trì trong những ngày sôi động, cuồng nhiệt của SEA Games 31, các cổ động viên sẽ có cơ hội được trải nghiệm, hòa mình vào không gian văn hóa, lễ hội mang đậm giá trị nguồn cội và sắc màu dân tộc Việt Nam.
Thanh Hòa