Xây dựng chính quyền số góp phần tăng hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX

PhuthoPortal - Phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số được tỉnh Phú Thọ xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển. Với nhiều giải pháp đồng bộ triển khai chính quyền số đã góp phần làm cho nhiều chỉ số của tỉnh tăng mạnh như: Chỉ số Tính minh bạch (6,10 điểm) trong bảng xếp hạng PCI; chỉ số Công khai, minh bạch (5,84 điểm), Thủ tục hành chính công (7,39 điểm) thuộc nhóm điểm cao nhất trên bảng xếp hạng PAPI; chỉ số Hiện đại hoá hành chính (đạt 10,72/11 điểm) của PAR INDEX; chỉ số Hài lòng về tiếp cận dịch vụ (đạt 86,78%, tăng 3,45% so với năm 2020), chỉ số Hài lòng về thủ tục hành chính (đạt 90,17%, tăng 2,89% so với năm 2020) trong bảng xếp hạng SIPAS.

Đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang với Sở Thông tin và Truyền thông (tháng 3/2022)

Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ, phiên bản 2.0; Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2022… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số.

Năm 2021, các chỉ số phản ánh về hoạt động của tỉnh Phú Thọ tiếp tục được cải thiện tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 66,11 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,59 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2020); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 88,59 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,85 điểm và tăng bậc so với năm 2020); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 89,3%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,1%, tăng 8 bậc so với năm 2020); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt 45,34 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 32 bậc so với năm 2020).

Bằng các giải pháp đồng bộ, công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước có sự phát triển vượt bậc. 100% các cơ quan nhà nước thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được khai thác và sử dụng hiệu quả. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cổng Dịch vụ công của tỉnh kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tính đến hết tháng 7/2022, số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 819 thủ tục; mức độ 4 là 716 thủ tục.

Các đại biểu cắt băng khai trương hạ tầng số tại khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Tân Sơn

Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử. Nhiều ngành, lĩnh vực của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động như: Công an tỉnh đã triển khai Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế triển khai cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, khai báo y tế điện tử, sổ sức khỏe điện tử; hệ thống camera thông minh tại các cơ sở cách ly tập trung. Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai ứng dụng quản lý trường học, quản lý thư viện, thiết kế bài giảng điện tử. Các cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, quản trị, biên tập, xuất bản các bản tin, chương trình trên các nền tảng số, từng bước xây dựng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện…

Công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và giao dịch kinh doanh trên Internet; hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa. Đến nay, Phú Thọ có trên 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Các doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng thanh toán trực tuyến như VNPT-Pay, Viettel Pay, Mobile money. Nhiều doanh nghiệp đã phối hợp, hỗ trợ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các hợp tác xã, làng nghề, trang trại giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, là một trong 5 tỉnh của cả nước sử dụng và chuyển hoàn toàn sang hóa đơn điện tử.

Giai đoạn 2021 - 2025, Phú Thọ xác định phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh. Định hướng đến năm 2030, Phú Thọ hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử từng bước xây dựng Chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ cho người dân.

Để đạt được mục tiêu trên, Phú Thọ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển Chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển các hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng hệ thống, hạ tầng số hướng tới Chính quyền số; xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; nâng cao các chỉ số thành phần trong xếp hạng cấp tỉnh PCI, PAPI, PAR INDEX góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, đưa Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn,  tin cậy cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Lệ Thủy - Khánh Trang